Trong một tuyên bố, ông Nabil Abu Rudeineh cho biết Israel đang "chạy đua với thời gian để hủy hoại mọi triển vọng còn lại của giải pháp hai nhà nước". Tuyên bố nhấn mạnh Israel quyết định gây thêm nhiều rào cản đối với chính quyền mới của Mỹ trong khi Washington nhiều khả năng thúc đẩy nỗ lực nhằm nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bị đình trệ.
Trong tuyên bố, người phát ngôn của chính quyền Palestine đồng thời kêu gọi chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có biện pháp chống lại các hoạt động xây khu định cư mới của Israel tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Theo người phát ngôn này, tất cả hoạt động xây khu định cư của Israel đều vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như các nghị quyết của cộng đồng quốc tế, bao gồm nghị quyết 2334 được cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, thông qua.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Jordan cũng ra tuyên bố lên án các hoạt động xây nhà định cư trên. Người phát ngôn của bộ, ông Daifallah Fayez, cho hay những hành động như vậy là sự vi phạm luật pháp quốc tế và xói mòn triển vọng về hòa bình và giải pháp hai nhà nước. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Jordan cũng hối thúc cộng đồng quốc tế gây sức ép nhằm buộc Israel chấm dứt hoạt động này.
Trước đó, cùng ngày, Cơ quan Đất đai Israel xác nhận chính phủ nước này đã mời thầu xây dựng thêm 2.112 nhà định cư Do Thái tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng và 460 nhà định cư tại Đông Jerusalem - khu vực dự kiến là một phần lãnh thổ của Palestine khi nhà nước này ra đời.
Thông báo được đưa ra sau khi Peace Now - một tổ chức chuyên theo dõi và vận động phản đối kế hoạch mở rộng các khu định cư của Israel - cho biết Tel Aviv đã quyết định cấp phép xây dựng các khu định cư trên vào "những phút cuối cùng" trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ.
Ngày 17/1 vừa qua, Israel cũng đã phê duyệt xây dựng 780 nhà định cư mới tại Bờ Tây. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong những ngày qua.
Ước tính có khoảng 650.000 người định cư Do Thái sống tại Bờ Tây và Đông Jerusalem trong khi có tới 3,1 triệu người Palestine sống ở hai khu vực này.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm cả Đông Jerusalem, và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel coi Bờ Tây là "vùng tranh chấp".
Trong khuôn khổ các chính sách được chính quyền Israel thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng hàng loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.