Pandora mua khoảng 340 tấn bạc và 1 tấn vàng mỗi năm. Theo báo cáo thường niên, chuỗi cung ứng của Pandora đã phát thải 264.224 tấn CO2 vào năm 2022. Ông Mads Twomey-Madsen, Phó Chủ tịch cấp cao về truyền thông và bền vững của Pandora cho biết, việc sử dụng kim loại tái chế thay vì kim loại mới khai thác nhằm giảm lượng khí thải CO2 gián tiếp của Pandora khoảng 58.000 tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng kim loại tái chế vẫn gây ra rủi ro khi vàng bị đánh cắp có thể được bán dưới dạng phế liệu để tái chế và rất khó để chứng minh nguồn gốc của kim loại sau khi nấu chảy.
Để giảm thiểu rủi ro, Pandora sử dụng tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm do Hội đồng Trang sức Có trách nhiệm (RJC) phát triển. Ví dụ, tiêu chuẩn này quy định tiền vàng và thỏi vàng không được coi là nguồn vàng tái chế.
Ông Twomey-Madsen cho biết, Pandora đã đạt chỉ tiêu sử dụng 100% vàng và bạc tái chế vào tháng 12/2023. Công ty này đang đầu tư khoảng 10 triệu USD mỗi năm vào việc chuyển đổi, một khoản chi phí mà công ty sẽ gánh vác thay vì chuyển sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá sản phẩm.
Pandora yêu cầu các kiểm toán viên độc lập đánh giá các nhà cung cấp của công ty này theo tiêu chuẩn của RJC. Ông Twomey-Madsen cho biết, các nhà cung cấp Pandora phải tách biệt kim loại tái chế được chứng nhận với kim loại không được chứng nhận như một phần của quá trình chuyển đổi.
Pandora, công ty đã bán được 103 triệu món trang sức vào năm 2022, sản xuất đồ trang sức tại hai nhà máy ở Thái Lan và dự kiến xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam. Công ty này nổi tiếng với những chiếc vòng tay quyến rũ có giá từ 65-95 USD.