Đến thăm quảng trường cùng linh mục quản nhiệm Nhà thờ Đức Bà Patrick Chauvet, Thị trưởng Pháp Anne Hidalgo nhấn mạnh quyết định này gần như một "hình thức tái sinh" công trình 850 năm tuổi vì đây là "linh hồn của Paris". Hiện mặt tiền của Nhà thờ Đức Bà và các lối vào hình vòm vẫn bị chặn.
Quảng trường phía trước Nhà thờ Đức Bà đã được đóng cửa ngay sau khi xảy ra vụ cháy vào ngày 15/4/2019. Vụ hỏa hoạn đã phá hủy gần như toàn bộ phần mái công trình được xây dựng từ thế kỷ 13 này khi ngọn lửa thiêu trụi hoàn toàn các rầm gỗ sồi và hơn 300 tấn tấm chì vốn bao phủ kết cấu khung bằng gỗ tinh xảo ở phần mái của nhà thờ, giải phóng các phân tử chì độc hại vào không khí khi chúng tan chảy. Nồng độ chì cao tại khu vực quảng trường và các tuyến phố xung quanh gần đó được đánh giá là rất khó loại bỏ, làm dấy lên lo ngại rằng người dân có thể bị nhiễm độc.
Sau vụ hỏa hoạn, một số trường học đã phải đóng cửa trong nhiều tuần để nhân viên vệ sinh khử trùng lớp học, sân chơi và công tác phục hồi cũng phải tạm ngừng sau khi nhà chức trách yêu cầu phải trang bị khẩu trang và thiết bị bảo vệ cá nhân khác cho công nhân. Tuy nhiên, giới chức y tế khu vực đã cho phép mở cửa trở lại khu vực quảng trường trước nhà thờ với công tác khử trùng được tiến hành thường xuyên cùng với việc nối lại công tác phục dựng.
Bất chấp thời gian gián đoạn nói trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định rằng mục tiêu của ông là khôi phục Nhà thờ Đức Bà trở lại như trước đây vào năm 2024.
Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu được xây dựng từ năm 1160 và mất tới hơn 1 thế kỷ mới hoàn thành. Là một trong những công trình điển hình nhất của lối kiến trúc Gothic Pháp, gắn với những kiệt tác của đại văn hào Victor Hugo, Nhà thờ Đức Bà thu hút 13 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm. Do đó, vụ hỏa hoạn đã gây ra một cú sốc tinh thần lớn đối với người dân nói riêng và người dân thế giới và việc phục dựng nhà thờ sẽ là thách thức lớn chưa từng có mà Chính phủ Pháp phải đối mặt.