Nơi đây tập trung các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp về đổi mới và sáng tạo, gắn liền với một trung tâm đại học đẳng cấp thế giới. Paris-Saclay mang đến cho các công ty khởi nghiệp một hệ sinh thái “năng động hơn mỗi ngày” nhờ sự gần gũi giữa các tập đoàn công nghiệp lớn và các trung tâm nghiên cứu của nhà nước và và tư nhân.
Paris-Saclay đóng góp 15% toàn bộ các công trình nghiên cứu của đất nước, cung cấp 40% việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu của Paris, giành 350 bằng sáng chế và xuất bản 10.500 ấn phẩm khoa học mỗi năm. Đây là nơi làm việc của 16.000 nhà nghiên cứu và giáo sư khoa học và hiện quy tụ hơn 700 công ty khởi nghiệp có nguồn lực công nghệ và đổi mới tiên tiến.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Jérémy Herve, Giám đốc Đổi mới và Phát triển Kinh tế thuộc Cơ quan Quy hoạch công (EPA) Paris-Saclay nhấn mạnh đây là một dự án tầm cỡ quốc gia nhằm tạo ra một cụm khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới. Mục tiêu của dự án là tập trung tất cả các cộng đồng đổi mới trên cùng một vùng lãnh thổ, ngay gần Paris, để có thể tham gia cuộc cạnh tranh quốc tế về đổi mới. Dự án cũng nhằm gắn kết các bên, từ cộng đồng nghiên cứu học thuật đến cộng đồng nghiên cứu tư nhân và nghiên cứu phát triển công nghiệp, đồng thời tìm ra các giải pháp đổi mới từ các doanh nghiệp mới, hay còn được gọi là khởi nghiệp.
Ông cho biết Paris-Saclay có thế mạnh nghiên cứu và phát triển ở 6 ngành công nghiệp chủ chốt, gồm an ninh quốc phòng và hàng không, phương tiện giao thông, y tế, công nghệ số, công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, trong đó đang phát triển mạnh nhất là y tế với các công nghệ sinh học. Trung tâm cũng đứng đầu về công nghệ số, đặc biệt là liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc công nghệ lượng tử, và có nhiều kỹ năng để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sinh thái, giảm carbon trong công nghiệp, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tìm kiếm các loại hình năng lượng mới. Đây là những lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp đến với trung tâm nhất, tạo ra nhiều đối tác và quan hệ hợp tác nhất, từ đó mang lại nhiều cơ hội hợp tác mới, bao gồm các hợp tác học thuật giữa các nhóm nghiên cứu, hoặc hợp tác giữa các vườn ươm và giữa các cơ sở hỗ trợ.
Paris-Saclay được Chính phủ Pháp xem là động cơ thúc đẩy sự đổi mới của ngành công nghiệp Pháp và châu Âu. Lấy cảm hứng từ thành công của Thung lũng Silicon, dự án cụm khoa học và công nghệ đầy tham vọng này có 3 thành phần chính.
Đầu tiên là khoa học, với dấu ấn là việc thành lập “siêu” Đại học Paris-Saclay năm 2020, gồm 14 cơ sở giáo dục đại học và tổ chức nghiên cứu cùng 280 phòng thí nghiệm, với tham vọng trở thành một trong 20 trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới. Paris-Saclay cũng là nơi tọa lạc của Viện Bách khoa Paris (IP Paris) với các trường đại học trực thuộc nổi tiếng nước Pháp như Trường Bách khoa, ENSTA ParisTech, ENSAE ParisTech, Télécom ParisTech và Télécom SudParis.
Thứ hai là kinh tế, nổi bật với các trung tâm nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn lớn, tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho các công ty đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp non trẻ, cũng như giá trị hóa thương mại các tiến bộ khoa học và công nghệ được thực hiện trên cao nguyên Saclay.
Thành phần cuối cùng là quy hoạch vùng lãnh thổ, với mục tiêu tạo ra một khuôn viên đô thị rộng lớn, hiện đại và hấp dẫn, kết hợp ký túc xá cho sinh viên và nhà ở cũng như không gian sống, dịch vụ và không gian công cộng cho cư dân.
Sự tập trung của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ về đổi mới sáng tạo gắn liền với một trung tâm đại học đẳng cấp thế giới đã biến cụm khoa học công nghệ Paris-Saclay trở thành một trong 8 trung tâm đổi mới quan trọng nhất trên thế giới, cùng với Thung lũng Silicon, Boston, Tech City London, Bắc Kinh... Trong số 65.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, có 23% là sinh viên người nước ngoài.
Bà Sylvaine Neuve, Giám đốc Phát triển và Hợp tác kinh doanh của Viện Bách khoa Paris (IP Paris), cho biết từ năm 2020 đến nay, đã có khoảng 150 sinh viên Việt Nam theo học tại Trường Bách khoa (l’École Polytechnique). Ngoài ra còn có nhiều sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường Telecom Paris và Telecom Sud Paris thuộc IP Paris. Viện cũng đã triển khai một chương trình thạc sĩ vào năm 2017 và đến nay đã có trên 40 sinh viên Việt Nam hoàn thành chương trình này. Tại các trường thuộc IP Paris cũng có khoảng 15 nghiên cứu sinh tiến sĩ Việt Nam, trong đó một số trường hợp có học bổng. Tỉ lệ tiếp cận việc làm của họ rất cao, với hơn 84% sinh viên tìm được việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp. Sau đó, các sinh viên có thể tự lựa chọn theo đuổi con đường học vấn, trở về nước hay làm việc tại Pháp.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN sau chuyến tham quan cụm khoa học công nghệ Paris-Saclay, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng hình mẫu tổ chức ở Paris-Saclay là kinh nghiệm quý để Việt Nam có thể học hỏi, tổ chức các mô hình tương tự trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo, trong đó cách thức xây dựng một hệ sinh thái giữa các nhà đào tạo, nghiên cứu và sản xuất. Một điều quan trọng nữa là làm thế nào để tạo ra sự cộng hưởng các nguồn lực của nhà nước, của tư nhân, của các trường đại học và cả nguồn lực của những người thụ hưởng các sản phẩm được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển tại các trung tâm hiện nay.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Paris-Saclay “cũng là hình mẫu để chúng ta có tạo những cầu nối hợp tác và phát triển giữa các trung tâm tương tự của Việt Nam và các trung tâm của Pháp, cũng như châu Âu. Bởi vì ở đây không chỉ tập trung các nhà nghiên cứu và sản xuất, các trung tâm đào tạo của Pháp, mà còn của châu Âu cũng đã quy tụ về đây để hợp tác và cùng sản xuất cho những lĩnh vực hướng tới tương lai”.