Phát biểu cùng Chủ tịch Quốc hội Peru Maria del Carmen Alva, Tổng thống Castillo tuyên bố việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh. Nhiều người dân đã hoan nghênh quyết định trên của chính phủ.
Trước đó, ngày 4/4, Nội các Peru đã nhất trí ban bố lệnh cấm công dân đi lại từ 2h00 sáng đến 23h59’ ngày 5/4 để bảo vệ quyền cơ bản của tất cả mọi người, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu và phân bón nông nghiệp tăng cao, bước sang tuần thứ hai liên tiếp bất chấp chính phủ nước này đang nỗ lực "hạ nhiệt" giá cả. Tổng thống Castillo nêu rõ việc áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm bảo vệ người dân và tái lập lại trật tự trị an của đất nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Jose Gavidia còn cho biết có nguồn tin cho rằng sẽ có những hành động phá hoại trong ngày 5/4 nên chính phủ đã buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm. Ngay cả khi lệnh giới nghiêm được áp đặt ở thủ đô Lima, nhiều cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, nhiều tuyến đường bị phong tỏa tại một số thành phố nhỏ hơn của quốc gia châu Mỹ này.
Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra vào tuần trước khi nông dân và lực lượng tài xế ngăn chặn một số tuyến đường chính dẫn tới thủ đô Lima, khiến giá cả thực phẩm tăng đột biến. Nhiều đối tượng quá khích sau đó đã có hành động bạo lực cực đoan, thậm chí tấn công cảnh sát.
Giống như nhiều nước khác, Peru đang đối mặt tình trạng lạm phát cao. Tháng 3 vừa qua, lạm phát của Peru đã tăng lên mức cao nhất trong 26 năm do giá liên liệu và lương thực tăng. Cuối tuần qua, Chính phủ Peru cũng đã công bố đề xuất nằm hỗ trợ người dân vượt qua cuộc khủng hoảng giá cả hiện nay như cắt giảm hầu hết thuế xăng dầu để giảm giá nhiên liệu trong khi tăng lương tối thiểu thêm 10%, lên 1.205 sole (332 USD).
Trước đó, Peru cũng đã bố tình trạng khẩn cấp ở ngành nông nghiệp do giá phân bón tăng cao khi Nga - nước xuất khẩu lớn kali, amoniac, urê và các chất dinh dưỡng khác của đất, đang gánh chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.