Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vaccine của Pfizer Kathrin Jansen nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là yếu tố thôi thúc hãng này tận dụng lợi ích khoa học của công nghệ mRNA để phát triển các loại vaccine phòng bệnh khác.
Bà Jansen cho hay Pfizer nhận thấy cần nâng cao mức độ hiệu quả của các loại vaccine phòng cúm mùa hiện nay và tin tưởng rằng mRNA là công nghệ lý tưởng để giải quyết thách thức này. Các loại vaccine phòng cúm mùa hiện nay chỉ có mức hiệu quả phòng bệnh từ 40%-60% và ước tính, mỗi năm bệnh cúm mùa có thể cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người.
Thông báo của Pfizer nêu rõ giai đoạn đầu của nghiên cứu vaccine mRNA phòng cúm mùa sẽ sự tham gia của hơn 600 người Mỹ từ 65-85 tuổi. Trong nghiên cứu này, Pfizer sẽ so sánh mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch giữa vaccine mRNA với vaccine phòng cúm mùa đang lưu hành hiện nay. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm 1 mũi, hoặc 2 mũi hoặc 4 mũi vaccine với liều lượng thuốc khác nhau.
Đối với các loại vaccine phòng cúm mùa thông thường, các nhà khoa học nuôi cấy virus trong trứng gà hoặc các tế bào động vật có vú, sau đó giảm độc lực của virus này trước khi bào chế thành vaccine. Trong khi đó, vaccine mRNA sử dụng mã di truyền RNA, đưa ra chỉ dẫn cho các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein và protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu virus thực sự xâm nhập vào cơ thể con người.
Từ năm 2018, Pfizer đã "bắt tay" hãng dược BioNTech của Đức để nghiên cứu vaccine mRNA phòng cúm mùa. Trong tương lai, Pfizer có kế hoạch nghiên cứu thuốc mRNA phòng chống các virus gây bệnh hô hấp khác, ung thư và bệnh di truyền.
Trong khi đó, một hãng dược phẩm khác của Mỹ là Moderna cũng đang nghiên cứu một loại vaccine mRNA phòng bệnh cúm và vaccine phòng chống virus hợp bào hô hấp (RSV).