Theo kế hoạch, toàn bộ tình nguyện viên từ 16 tuổi trở lên sẽ được biết về mình có thuộc đối tượng tiêm giả dược hay không, sau đó được chọn có chuyển sang nhóm đối tượng tiêm vaccine thử nghiệm hay không.
Trên trang mạng của mình, hai công ty trên cho biết trong thời gian tham gia nghiên cứu, các tình nguyện viên đã từng được tiêm giả dược sẽ được quyền tiêm 2 liều vaccine thử nghiệm nếu họ muốn. Các bác sĩ nghiên cứu sẽ làm theo chỉ dẫn mới nhất của Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và cơ quan y tế địa phương về các đối tượng ưu tiên tiêm phòng.
Tuy nhiên, FDA và một ủy ban cố vấn độc lập bày tỏ lo ngại về kế hoạch này, cho rằng có thể gây khó khăn cho việc tiếp tục thu thập dữ liệu về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine để được phê chuẩn sử dụng đầy đủ.
Trước đó, vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nơi khác. Quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối vẫn đang tiếp tục trước khi vaccine này được phê chuẩn đầy đủ. Hai công ty đang lên kế hoạch đẩy mạnh thêm năng lực sản xuất trong bối cảnh tình hình chung của vaccine không được dồi dào. BioNTech cũng đang tìm kiếm các đối tác có thể sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech và các chế phẩm vaccine. Hiện có 5 công ty châu Âu đang sản xuất vaccine của công ty này.