Phát biểu với báo giới, quan chức Hamas cho biết phái đoàn của họ sẽ gặp các quan chức cấp cao tình báo của Ai Cập để nghe tóm tắt về tình hình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza hiện nay. Cũng theo quan chức này, Hamas duy trì quan điểm rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, trong đó có "khu vực biên giới với Ai Cập" được gọi là Hàng lang Philadelphi, và những người phải di tản được trở về nhà.
Hamas cử phái đoàn đến Cairo sau khi người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby, ngày 23/8 nhận định vòng đàm phán mới nhất về ngừng bắn ở Gaza, vừa diễn ra tại Cairo, đã đạt tiến triển và "mang tính xây dựng". Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Israel tại biên giới Gaza-Ai Cập nổi lên như một điểm bế tắc chính. Ngày 23/8, quan chức cấp cao của Hamas, ông Hossam Badran, cho rằng việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kiên quyết yêu cầu quân đội Israel duy trì sự hiện diện tại Hành lang Philadelphi là sự từ chối đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Dự kiến, vòng đàm phán mở rộng về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza sẽ bắt đầu vào ngày 25/8. Đây được cho là bước quan trọng trong việc xây dựng thỏa thuận và các bên có thể đi đến thống nhất nếu Mỹ gây sức ép với Thủ tướng Netanyahu.
Trong nhiều tháng qua, Ai Cập, Qatar và Mỹ đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chấm dứt hơn 10 tháng xung đột giữa Israel và Hamas. Sự lạc quan trước đó trong nhiều tháng đàm phán đã được chứng minh là không có cơ sở. Bạo lực diễn ra dữ dội ở cả phía Bắc, miền Trung và phía Nam Gaza trong ngày 23/8. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết hàng chục nghìn dân thường đã tiếp tục di dời từ vùng Deir el-Balah và thành phố Khan Yunis ở phía Nam Gaza sau lệnh sơ tán của Israel. Theo LHQ, chiến tranh đã buộc hầu như toàn bộ dân số Gaza phải di dời nhiều lần, khiến họ không có nơi trú ẩn, nước sạch cũng như các nhu yếu phẩm khác khi dịch bệnh lây lan.