Hãng thông tấn Reuters, trang mạng Foxnews và New York Times dẫn thông cáo của Viện Mỹ tại Đài Loan, cơ quan đại diện cho các quyền lợi của Mỹ trên thực tế ở Đài Loan (Trung Quốc), thông báo một phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ đã tới hòn đảo này trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày.
Dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan lần này là Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey. Theo kế hoạch, các nghị sĩ Mỹ sẽ gặp gỡ giới lãnh đạo cấp cao của Đài Loan để thảo luận về quan hệ giữa hai bên và các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo thông báo của Viện Mỹ tại Đài Loan, cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của các nhà lập pháp Mỹ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyến thăm bất ngờ này diễn ra chỉ 12 ngày sau chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Chuyến thăm của bà Pelosi đã dẫn tới làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh cũng triển khai một loạt động thái trả đũa chuyến thăm.
Ngày 5/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng hoặc đình chỉ các cuộc đối thoại với Mỹ về một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu cho tới quốc phòng, cũng như hợp tác chống buôn bán ma túy, để đáp trả vụ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm đảo Đài Loan .
Theo Thời báo Hoàn cầu và hãng tin AP, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố gói 8 biện pháp nhằm phản ứng lại chuyến thăm Đài Loan đầu tuần này của bà Pelosi. Bao gồm:
- Đình chỉ đàm phán chống biến đổi khí hậu
- Hủy đối thoại cấp cao giữa lãnh đạo quân đội hai nước
- Hủy các cuộc gặp với giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ
- Hủy các cuộc họp với Mỹ về an toàn hàng hải
- Đình chỉ hợp tác trong cuộc chiến chống tội phạm
- Đình chỉ cuộc họp cấp chuyên viên về vấn đề hồi hương người nhập cư trái phép
- Đình chỉ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp
- Đình chỉ hợp tác trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy
Phát biểu với báo giới tại Tokyo vào ngày 5/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi khẳng định các chuyến thăm của bà tới châu Á, trong đó có hòn đảo tự trị Đài Loan, không liên quan tới việc thay đổi hiện trạng ở khu vực này.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác cùng thắng là nguyện vọng chung của các nước trong khu vực. Việc Mỹ đưa vấn đề Đài Loan vào chiến lược của họ đã làm gia tăng căng thẳng và thúc đẩy đối đầu. Điều này đi ngược lại xu thế phát triển của khu vực và mong đợi của người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Vương Nghị nhấn mạnh nguyên tắc "một Trung Quốc" đã trở thành chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, thành phần của một trật tự quốc tế thời hậu Chiến tranh thế giới thứ 2.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng khi Washington tuyên bố Bắc Kinh đang làm leo thang căng thẳng, thực tế cơ bản là Washington đang khiêu khích Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Đài Loan, công khai xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan là nguyên tắc "một Trung Quốc".
Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và kêu gọi quốc tế tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", không chấp nhận các nước thiết lập quan hệ ngoại giao cùng lúc với cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc.