Không nằm trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới và đặc biệt chỉ có 19 triệu công dân là nam giới, song Hàn Quốc lại là thị trường chăm sóc da cho phái mạnh lớn nhất trên thế giới. Theo nghiên cứu thị trường của công ty Euromonitor International, mỗi năm đàn ông Hàn Quốc chi tới 495,5 triệu USD cho việc chăm sóc làn da, chiếm gần 21% tổng chi phí của cả thế giới.
“Có một gương mặt bóng mịn khiến bạn trở nên trẻ trung và tạo được ấn tượng rằng bạn biết cách chăm sóc bản thân”, Cho Won-hyuk cho biết, “Vẻ bề ngoài rất quan trọng, vậy nên khi trang điểm vào những dịp đặc biêt, bạn sẽ trở nên tự tin hơn”.
Chàng sinh viên Cho Won-hyuk bắt đầu ngày mới với việc làm đẹp khuôn mặt. |
Chàng sinh viên 24 tuổi ở thủ đô Xơun bắt đầu ngày mới bằng việc đứng trước tấm gương trong phòng ngủ và tán đều phấn phủ nâu vàng lên trán, mũi, má và cằm cho đến khi làn da không còn tỳ vết; rồi dùng một cây chì kẻ mắt đen tô đậm đôi lông mày. Cho tỉ mỉ từng đường nét để tạo ra một gương mặt thật hoàn hảo.
Sự thay đổi của đàn ông Hàn Quốc từ vẻ nam tính mạnh mẽ sang chú trọng hình thức trong 10 năm qua phần nào được giải thích bởi sự cạnh tranh gay gắt trong công việc, trong cơ hội thăng tiến và cả trong chuyện tình ái. Ở quốc gia là “trung tâm trang điểm nam giới toàn cầu” này đã hình thành quan điểm “hình thức làm nên sức mạnh”. Phụ nữ cũng mong muốn đàn ông dành nhiều thời gian và công sức chăm sóc làn da hơn.
Thêm vào đó, trong những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã nới lỏng lệnh cấm với một số mặt hàng mỹ phẩm của Nhật Bản, đồng thời với làn sóng xuất hiện của những truyện tranh nổi tiếng mà trong đó những mỹ nam xuất hiện với vẻ dịu dàng, duyên dáng.
“Tôi có thể hiếu được tại sao phụ nữ không thích ra ngoài khi không trang điểm. Trang điểm làm nên sự khác biệt lớn”, anh Cho Gil- nam, 27 tuổi, cho biết. Chuyên gia đầu tư bảo hiểm này bắt đầu những ngày quan trọng việc trang điểm khuôn mặt sau một quy trình nhiều bước làm sạch và dưỡng ẩm cho làn da. Thậm chí, anh còn mang theo bên mình một hộp trang điểm để thuận tiện cho việc “tút tát” nhan sắc vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Không khó để tìm kiếm bằng chứng về xu hướng chuộng trang điểm của cánh mày râu xứ Kim chi. Hình ảnh một cô gái trẻ rút từ trong túi xách một thỏi son rồi tô lên đôi môi của bạn trai rất dễ bắt gặp trong các quán café đông người. Hay như hãng hàng không Hàn Quốc năm nào cũng mở các lớp huấn luyện trang điểm cho các nam tiếp viên hàng không.
Năm 2002, người hùng của đội tuyển bóng đã quốc gia Hàn Quốc, Ahn Jung-hwan, đã làm say đắm biết bao người hâm mộ bởi vẻ điển trai nổi bật với làn da mịn màng và phong cách yểu điệu. Nhờ vẻ ngoài “đầy nữ tính” ấy mà anh được mời làm đại diện cho rất nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng dành cho phái mạnh.
Kim Jong- hoon, một kỹ sư tin học 27 tuổi, cho rằng, thị hiếu xã hội về người dàn ông có làn da hoàn hảo đã khiến cho công đoạn làm đẹp của anh chuyển từ chỉ có nước và xà phòng sang một chế độ phức tạp bao gồm 8 bước, từ làm sạch đến bôi kem dưỡng mắt và sữa dưỡng thể tới phấn phủ. “Da tôi vốn không đến nỗi tệ, nhưng các phương tiện truyền thông liên tục nhắc nhở rằng làn da là một trong những vấn đề quan trọng nhất, vậy nên tôi buộc phải chăm sóc nó”, Kim nói.
Và từ chỗ làm đẹp một cách thụ động, trang điểm dường như đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của những người đàn ông Hàn Quốc. “Khi tiếp xúc với những người trang điểm, tôi cảm thấy giữa chúng tôi có một mối tương đồng”, Kim thổ lộ.
An Khanh(Theo AFP)