Trước đó, trong một cuộc điện đàm hồi đầu tuần này với ông Putin, Tổng thống Biden đã đề xuất gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga vào mùa Hè này tại châu Âu, bày tỏ lập trường rõ ràng rằng Mỹ và Nga có thể đã "tiến xa hơn" và có thể thiết lập "một mối quan hệ hiệu quả hơn". Ông nhấn mạnh Washington "không muốn bắt đầu một chu kỳ leo thang và xung đột" với Moskva và hội nghị thượng đỉnh trực tiếp sẽ là cơ hội để khởi động một cuộc đối thoại chiến lược ổn định.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Phần Lan cho biết Phần Lan sẵn sàng tổ chức cuộc gặp trên và đã đề xuất với Washington và Moskva. Năm 2018, Phần Lan từng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Tổng thống Niinisto là người ủng hộ nhiệt thành việc tiến hành đối thoại với Điện Kremlin.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận "thật tốt" khi hai tổng thống Nga - Mỹ muốn ngồi xuống đối thoại. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Peskov cho biết Tổng thống Putin đã nhiều lần cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ ở mức độ mà Washington mong muốn. Tuy nhiên, Moskva và Washington hiện không có hiểu biết chung về cách thức xây dựng quan hệ đôi bên cùng có lợi, và chính sách trừng phạt của Mỹ là "không thể chấp nhận được".
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ quyết định các biện pháp trả đũa trừng phạt của Mỹ, đồng thời khẳng định Nga sẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô sau khi Mỹ trừng phạt vào thị trường nợ công của Nga. Theo Điện Kremlin, hiện Tổng thống Putin cũng chưa quyết định có tham gia hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức hay không.
Liên quan đến vấn đề Ukraine - lý do chính dẫn đến xung đột Nga với phương Tây - Điện Kremlin cho biết có rất ít báo cáo về nhưng vi phạm ngừng bắn ở Đông Ukraine nhưng vẫn chưa thể lơ là. Moskva kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục Tổng thống Ukraine đảm bảo lực lượng của mình ở miền Đông tuân thủ ngừng bắn.