Hơn 1/3 địa điểm lấy mẫu nước thải tại Mỹ ghi nhận xu hướng gia tăng ca mắc trong giai đoạn từ 1-10/3 dù số ca mắc được báo cáo vẫn đang ở mức thấp. Hiện chưa rõ dữ liệu phân tích nước thải có thực sự phản ánh số ca mắc sẽ tăng trong thời gian tới và liệu có xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới hay đây chỉ là đợt tăng nhẹ của làn sóng cũ trước khi suy giảm. Trên thực tế, ở nhiều vùng trên toàn nước Mỹ, người dân đã trở lại làm việc trực tiếp trong khi các quy định về đeo khẩu trang cũng đã được nới lỏng - đây đều là những yếu tố dẫn tới số ca mắc tăng. Trong khi đó, thời tiết ấm hơn cũng là lý do làm tăng số người ra ngoài và số người mắc bệnh - được xem là những yếu tố giúp bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm và giữ số ca mắc ở mức thấp.
Chuyên gia Amy Kirby, phụ trách chương trình phân tích nước thải của CDC cho biết nhìn chung nồng độ virus trong nước thải ở mức thấp trên cả nước và chỉ có một số địa điểm có dấu hiệu tăng nhưng cũng chỉ là từ mức “rất thấp” tăng lên mức “thấp”. Một số cộng đồng dân cư bắt đầu ghi nhận số ca mắc tăng khi các biện pháp phòng dịch bắt đầu được nới lỏng trong vài tuần gần đây.
Theo dữ liệu phân tích nước thải tại 530 địa điểm từ ngày 1/3 đến 10/3, có 59% thể hiện xu hướng giảm số ca mắc, 5% ổn định và 36% có xu hướng tăng, so sánh trong giai đoạn trung bình 15 ngày. Dù dữ liệu phân tích nước thải không phản ánh cụ thể số người mắc bệnh nhưng có thể đánh giá lượng virus có trong nước thải. Nồng độ virus cao có thể phản ánh số lượng ca mắc tăng, thường là nhiều ngày trước khi có số liệu báo cáo số ca mắc bắt đầu tăng. Một số vùng có dấu hiệu tăng như ở khu vực thành phố New York, Conecticut.
Thông thường, người mắc bệnh sẽ thải ra virus hoặc các vật chất di truyền của virus ngay từ giai đoạn đầu nhiễm bệnh, do đó việc phân tích các mẫu nước thải cũng góp phần nhận biết sớm xu hướng dịch bệnh. Vì vậy nhiều nhà máy nước thải đã tiến hành xét nghiệm virus để góp phần dự báo sớm về xu hướng dịch bệnh. Theo CDC, dù nước thải có chứa virus hoặc các vật chất di truyền nhưng CDC khẳng định không có bằng chứng cho thấy người dân bị mắc bệnh do nguồn lây từ nước thải. Trong thời gian gần đây, một số cảnh báo từ mạng lưới đánh giá này cuối cùng không thực sự được phản ánh trong báo cáo về số ca mắc và nhập viện. Tại Mỹ, tỷ lệ tiêm phòng cho người trên 65 tuổi, nhóm có nguy cơ cao hơn nếu mắc bệnh, cũng đã ở mức 85%. Các cảnh báo cũng tăng khoảng 2 tuần sau khi CDC điều chỉnh khuyến nghị về đeo khẩu trang và các biện pháp y tế cộng đồng khác, chuyển mục tiêu sang đảm bảo các bệnh viện không bị quá tải và đặt hầu hết các vùng trên cả nước ở mức nguy cơ dịch bệnh thấp.
Chuyên gia Kirby đánh giá hiện còn quá sớm để kết luận liệu xu hướng này có tiếp diễn, hay số ca mắc được báo cáo thực sự tăng hay không. CDC khuyến nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, coi dữ liệu phân tích nước thải là cảnh báo sớm nếu nồng độ virus đo được vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các đợt dịch trước chỉ ra rằng các giai đoạn dịch ở Mỹ thường theo sau châu Âu vài tuần. Hiện một số nước châu Âu như Đan Mạch, Phần Lam, Na Uy và Thụy Điển đang ghi nhận số ca mắc mới tăng trở lại sau khi dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch. Chuyên gia virus học John Dennehy từ Đại học thành phố New York, cho rằng dù con người rất muốn "chia tay" virus nhưng dường như "virus vẫn chưa muốn vậy". Chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng một biến thể khác của virus sẽ xuất hiện trong vài tháng tới.