Ủy viên châu Âu về Tư pháp, ông Didier Reynders cho biết Mỹ và EU sẽ làm việc “rất chặt chẽ” để thống nhất các bước đi tiếp theo, song không nói rằng liệu hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận hay không. Ông Reynders nói rằng: “Mong muốn của chúng tôi là phản ứng cùng nhau và tìm ra những giải pháp mà chúng tôi có thể thích ứng với quyết định này”.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Chính phủ Mỹ “vô cùng thất vọng” trước quyết định của ECJ, nhưng đang liên hệ chặt chẽ với châu Âu nhằm hạn chế những hậu quả tiêu cực đối với mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương trị giá 7.100 tỷ USD. Ông Ross nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hai nền kinh tế chúng ta tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, điều quan trọng là các doanh nghiệp, trong đó có hơn 5.300 thành viên hiện nay của Lá chắn bảo mật, có thể chuyển dữ liệu mà không bị gián đoạn".
Trong khi đó, một số công ty công nghệ cho rằng phán quyết của ECJ tác động hạn chế đến lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, đồng thời đảm bảo các khách hàng và đối tác có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của các công ty này trong khi dữ liệu của họ vẫn được bảo mật. Các công ty công nghệ như Microsoft, Facebook cho biết đang xem xét kĩ lưỡng quyết định của ECJ liên quan đến việc sử dụng thỏa thuận “Lá chắn bảo mật".
Trong phán quyết của mình đưa ra trước đó cùng ngày, ECJ cho rằng thỏa thuận trên không thể cung cấp đủ sự bảo vệ cho người dân châu Âu trước các đạo luật an ninh và giám sát của Mỹ.
"Lá chắn bảo mật" là khuôn khổ để điều chỉnh việc trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên Đại Tây Dương cho các mục đích thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Hiện có hơn 5.000 công ty Mỹ sử dụng thỏa thuận này. Tuy nhiên, với phán quyết trên, "Lá chắn bảo mật" đã bị vô hiệu hóa.