Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên xuất hiện trước khi bước vào các cuộc hội đàm. Ảnh: ST |
Ngày 12/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử thành công. Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, sự kiện này sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho một bán đảo Triều Tiên hòa bình và không còn vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại buổi họp Nội các ở Phủ Tổng thống Hàn Quốc sau khi theo dõi truyền hình trực tiếp mở màn cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, ông Moon Jae-in nói: “Tôi đoán tất cả mọi người giờ đây dồn sự chú ý vào sự kiện ở Singapore. Tôi đã có một đêm không ngủ. Tôi cùng toàn thể người dân Hàn Quốc hy vọng đây sẽ là một cuộc gặp thượng đỉnh thành công, mở ra một kỷ nguyên mới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, hòa bình và một quan hệ mới giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ”.
Về phần mình, người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng vẫn tới nơi làm việc như thường lệ trong khi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo đang diễn ra.
Tại quảng trường trước nhà ga Bình Nhưỡng vào sáng 12/6, các bà nội trợ mặc bộ quần áo màu xanh đang vẫy cờ đỏ theo tiếng nhạc và cổ vũ những người đi làm. Các biểu ngữ với dòng chữ “Cùng đoàn kết trái tim chúng ta với nhau” đã được nhìn thấy trên đường phố. Một tấm áp phích được dựng gần ga cho thấy các bức ảnh về các nhà máy điện, và một thông điệp với nội dung “Hãy cùng tập hợp lực lượng để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và tăng tốc tiến trình cách mạng!”.
Trong khi đó, Nga khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvytkin cho biết nước này hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tuy nhiên, theo ông Shvytkin, một vòng đàm phán sẽ khó có thể dẫn đến những kết quả tích cực.
Có phần thận trọng, các bộ trưởng Nội các Nhật Bản bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra thành công, song vẫn không chắc chắn về sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng đối với phi hạt nhân hóa.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói: "Vấn đề chính là liệu Triều Tiên có thể hiện cam kết rõ ràng trong nỗ lực hướng tới từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại tên lửa hay không".