Theo hãng tin Reuters, khi được yêu cầu bình luận về hội nghị này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Tất nhiên, Nga sẽ theo dõi cuộc họp này. Chúng tôi cần hiểu những mục tiêu được đặt ra và vấn đề sẽ được thảo luận là gì. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình đều đáng được đánh giá tích cực”.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng nhắc lại lập trường của Moskva rằng hiện tại, Nga không thấy có cơ sở nào để đàm phán hòa bình với Kiev. Ông cho hay Ukraine không muốn và không thể có hòa bình chừng nào nước này còn được sử dụng như công cụ trong cuộc chiến tập thể của phương Tây chống lại Nga.
Cuối tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Saudi Arabia sẽ mời các quốc gia phương Tây, Ukraine và các nước đang phát triển tham gia các cuộc đàm phán tập trung vào kế hoạch hoà bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất. Phía Kiev cho rằng Nga sẽ không được hoan nghênh tại cuộc gặp này.
Tờ báo cho biết Kiev và các nước phương Tây hy vọng các cuộc đàm phán có thể mang lại sự ủng hộ của quốc tế đối với các điều khoản hòa bình có lợi cho Ukraine.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết hội nghị có thể sẽ được tổ chức tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia. Các quan chức cấp cao của EU sẽ tham dự hội nghị cùng khoảng 40 đại diện của các quốc gia khác. Một số quốc gia đã xác nhận tham dự sự kiện này, trong đó có Anh, Nam Phi và Ba Lan.
Các quan chức cho biết Nga không tham dự hội nghị này.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrado cho biết ông sẵn sàng tham dự hội nghị này, nếu có cả đại diện của Nga và Ukraine. Ông cho biết thêm rằng vì cuộc đàm phán tại Saudi Arabia vào đầu tháng 8 này không mời Nga nên Mexico sẽ không tham dự.
“Nếu cả Ukraine và Nga đều chấp thuận tìm kiếm các giải pháp để đạt được hòa bình, chúng tôi sẽ tham gia. Chúng tôi không muốn xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Điều đó rất phi lý”, ông nói.
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, cho biết Ukraine sẽ vô cùng vui mừng nếu các quốc gia cùng làm việc theo mô hình này để đổi mới hệ thống an ninh thế giới.
“Nhưng đây là diễn đàn của các quốc gia có trách nhiệm, những nước ủng hộ các quyền quốc tế và các đạo luật của Liên hợp quốc. Và đó là lý do tại sao Nga sẽ không có mặt tại đây”, ông Yermak viết trên Telegram.
Trước đó, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho xung đột giữa Moskva và Kiev.
Saudi Arabia đang tìm cách đóng một vai trò ngoại giao lớn hơn thúc đẩy giải quyết xung đột tại Ukraine. Quốc gia Trung Đông này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine,cũng như đón tiếp Tổng thống Zelensky tại một Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) hồi tháng 5 năm nay.
Tính đến tháng 2 năm nay, Saudi Arabia đã cam kết viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó khoảng 2/3 là khoản chi cho các sản phẩm dầu mỏ và 1/3 là các khoản viện trợ nhân đạo khác, bao gồm cả tiền phân bổ cho những người tị nạn Ukraine di tản sang các nước láng giềng.
Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc kể từ tháng 3/2022. Đến nay, hai bên khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán, song đưa ra những điều kiện tiên quyết mà bên còn lại coi là không thể chấp nhận được. Kiev tuyên bố đàm phán chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân và khôi phục lãnh thổ cho Ukraine.
Về phần mình, hôm 29/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sáng kiến của châu Phi - kêu gọi các biện pháp xây dựng lòng tin, sau đó là chấm dứt chiến sự - có thể được coi là cơ sở cho giải pháp hòa bình. Song nhà lãnh đạo Nga lưu ý các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga khiến sáng kiến này khó thành hiện thực.