Bộ trưởng Habeck cho rằng việc để các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục hoạt động là cần thiết để giảm mức tiêu thụ khí đốt trong sản xuất điện, dù đây là một lỗi lớn về mặt chính sách khí hậu. Tất nhiên, cần cố gắng để các nhà máy điện than này hoạt động càng ngắn càng tốt.
Theo ông Habeck, khi cơ sở hạ tầng khí hóa lỏng (LNG) và các nhà máy điện vận hành bằng khí đốt hoàn thành, tất cả các nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động hoàn toàn. Quá trình này có thể sẽ kéo dài thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Bộ trưởng Habeck cũng đã công bố các cuộc đấu thầu xây dựng các nhà máy điện khí đốt mới và thông tin chi tiết về quy hoạch mạng lưới hydro, đồng thời cũng không loại trừ việc thu hồi và lưu trữ khí CO2 ở Đức trong tương lai. Trong năm ngoái, trọng tâm của ngành năng lượng hầu như chỉ tập trung vào an ninh nguồn cung, thì năm nay trọng tâm sẽ là quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bộ trưởng Habeck cũng khẳng định lại mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030, khoảng 80% sản lượng điện sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu này có thể đạt được. Nước Đức phải chứng tỏ rằng, với tư cách là một quốc gia công nghiệp cùng tất cả các yêu cầu về an ninh nguồn cung và sự thịnh vượng, có thể nhanh chóng trung hòa với khí thải cacbon. Hiện tại ở Đức, sản lượng điện từ các nguồn tái tạo đã đạt gần 50% và đang tiếp tục tăng lên, dù mức tăng còn chậm.
Về mức giá điện chung tại châu Âu, Bộ trưởng Habeck cho rằng châu Âu rất cần một mức giá điện công nghiệp chung như vậy. Theo ông, điều này là thực tế. Cuộc khủng hoảng giá năng lượng không thể được giải quyết nếu không có giải pháp xuyên quốc gia. Ông cho rằng năm 2023 sẽ là một năm quan trọng đối với chính sách năng lượng của châu Âu.