Trong cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller nói: “Chúng tôi lo ngại về điều đó, chắc chắn việc khuyến khích công dân theo dõi lẫn nhau là điều rất đáng lo ngại. Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ việc thực thi luật chống gián điệp mới của Trung Quốc như những gì đã làm trước đây. Luật mới được ban hành sẽ mở rộng đáng kể phạm vi của những hoạt động được coi là gián điệp”.
Trước đó một ngày, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cơ quan giám sát tình báo và phản gián cả ở Trung Quốc và nước ngoài, đã lập tài khoản chính thức trên mạng xã hội WeChat có hơn 1 tỷ người sử dụng và đăng nội dung đầu tiên gây chú ý.
Bài đăng đầu tiên khuyến khích công dân Trung Quốc tham gia công việc chống gián điệp, bao gồm tạo các kênh liên lạc chẳng hạn như đường dây nóng và nền tảng trực tuyến để các cá nhân báo cáo hoạt động đáng ngờ và khen thưởng nếu đóng góp tích cực.
Bài đăng còn có nội dung: “Nâng cao cơ chế báo cáo hoạt động gián điệp bằng cách khen thưởng hợp pháp, thưởng công và bảo vệ các cá nhân, tổ chức báo cáo hoạt động gián điệp nhằm bình thường hóa cơ chế để người dân tham gia vào công việc phản gián”.
Bài đăng cũng đề cập rằng nhiệm vụ của “các cơ quan quốc gia, nhóm dân sự, doanh nghiệp thương mại” là thực hiện biện pháp phản gián và chính phủ cùng “những người đứng đầu ngành” phải chịu trách nhiệm.
Bộ An ninh Quốc gia cho biết nên thiết lập một hệ thống giúp những người bình thường tham gia vào hoạt động phản gián và coi đây là hoạt động "bình thường".
Động thái trên diễn ra sau khi luật chống gián điệp của Trung Quốc mở rộng có hiệu lực vào tháng 7 và cấm tiết lộ thông tin mà nước này cho là có liên quan đến an ninh quốc gia. Về phần mình, Mỹ đã cảnh báo các công ty nước ngoài ở Trung Quốc có thể bị trừng phạt.