Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: EPA/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Suga nêu rõ: "Nhật Bản muốn phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc về chính sách đối với Triều Tiên, đồng thời gia tăng sức ép với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng thay đổi chính sách về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo". Ông Suga khẳng định "không có thay đổi nào" trong lập trường này của Nhật Bản.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết Nhật Bản sẽ "chia sẻ thông tin với Hàn Quốc và Mỹ" về kế hoạch cử đặc phái viên đến Triều Tiên.
Nhật Bản đưa ra phản ứng trên một ngày sau khi Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in (Mun Chê In) đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 1/3, trong đó nhà lãnh đạo Hàn Quốc thông báo ông sẽ sớm cử đặc phái viên tới Triều Tiên để đáp lại chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Triều Tiên, trong đó có bà Kim Yo Jong em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tới dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 vừa qua.
Nhật Bản vẫn thận trọng về triển vọng đối thoại với Triều Tiên trong suốt quá trình diễn ra những dấu hiệu tan băng trong quan hệ liên Triều gần đây, theo đó Tokyo cảnh báo thế giới không được chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.
Cùng ngày, trả lời báo giới về kế hoạch của Hàn Quốc cử đặc phái viên đến Triều Tiên, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Mỹ hoan nghênh "mọi bước đi có thể dẫn tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên", theo đó nhấn mạnh "mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên".
Một tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh lập trường "bất cứ cuộc đối thoại nào với Triều Tiên đều phải được tiến hành với mục đích rõ ràng và kiên định là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".