Trả lời kênh truyền hình Sky TG24 khi đang tới miền Nam Italy tham dự sự kiện Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Những thông điệp đó là những lời tối hậu thư. Chúng không khác gì những tối hậu thư trước đó cả”.
Trước đó, tại một cuộc họp quan chức cấp cao ở Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu, trong đó đưa ra những điều kiện cho một kế hoạch hoà bình với Ukraine. Đề xuất mới bao gồm việc Nga sẽ ngừng bắn và tuyên bố sẵn sàng đàm phán ngay sau khi Kiev rút quân khỏi lãnh thổ các khu vực mới của Nga. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện để đàm phán giữa Nga và Ukraine diễn ra sẽ là Kiev tuyên bố nước này sẽ từ bỏ ý định gia nhập NATO.
Các thỏa thuận cơ bản về giải quyết hòa bình cần được quy định trong các điều ước quốc tế. Tất nhiên, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga cũng được đưa vào giải quyết. Phía Nga cũng không đàm phán chỉ tạm dừng mà chỉ chấp thuận chấm dứt hoàn toàn xung đột.
Theo ông Putin, Nga đang đưa ra một đề xuất hòa bình thực sự khác biệt so với trước đây do tình hình thay đổi, nhưng nếu phương Tây và Kiev tiếp tục từ chối thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu trong tương lai.
Sau phản ứng của Ukraine về những điều kiện hoà bình mới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc ông Zelensky hiểu sai khi miêu tả đề xuất mà Tổng thống Putin đưa ra là “tối hậu thư”. “Đây là một đề xuất toàn diện, sâu sắc và mang tính xây dựng”, ông Peskov nói với tờ Izvestia.
Các vùng mới của Nga mà Tổng thống Putin đề cập đến là 4 vùng ở Ukraine sáp nhập Nga năm 2022. Ngày 30/9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người đứng đầu các vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye đã ký thỏa thuận về việc các khu vực này sáp nhập Liên bang Nga. Trước đó, các khu vực này đã tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Liên bang Nga. Kết quả trưng cầu được chính quyền các khu vực này công bố, theo đó đa số cử tri đồng ý sáp nhập.