Phản ứng quốc tế về quyết định của Iran liên quan đến JCPOA

Ngày 8/5, nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó cùng ngày cảnh báo Tehran sẽ thu hẹp việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cụ thể là Tehran sẽ tăng mức độ làm giàu urani.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Pháp khẳng định muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song cảnh báo nếu Iran không tuân thủ các cam kết của mình thì vấn đề khởi động một cơ chế trừng phạt sẽ được đưa ra thảo luận.

Phát biểu trên đài BFM TV/RMC, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhận định: "Hiện không có gì tồi tệ hơn việc Iran rút khỏi thỏa thuận này". Bà cho biết Pháp, Anh, Đức - những nước ký JCPOA, đang nỗ lực hết sức để có thể duy trì thỏa thuận hạt nhân bằng cách đề ra các sáng kiến hỗ trợ nền kinh tế Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cảnh báo rằng nếu Iran vi phạm thỏa thuận, việc này sẽ gây hậu quả và có thể là dẫn tới các biện pháp trừng phạt. 

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran phải được duy trì. Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "Duy trì và thực thi thỏa thuận hạt nhân toàn diện này là trách nhiệm của tất cả các bên. Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế, đẩy mạnh đối thoại và tránh làm leo thang căng thẳng". Ông tuyên bố thêm Bắc Kinh "cực lực phản đối" các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran.

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Iran thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Ông Rouhani cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.

Sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Iran, Hạ viện Nga đã hoan nghênh việc Iran sẵn sàng đàm phán với châu Âu, song cho rằng Mỹ cũng nên thể hiện sự cởi mở về đối thoại.

Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phươngTây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.

Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Minh Châu (TTXVN)
Iran cảnh báo hậu quả nếu JCPOA bị hủy bỏ
Iran cảnh báo hậu quả nếu JCPOA bị hủy bỏ

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Ali Akbar Salehi, ngày 26/11 đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về hậu quả nghiêm trọng nếu liên minh này không đưa ra hành động để duy trì lợi ích kinh tế của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, hay còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN