Phản ứng trái chiều về việc Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ 'lệch nhịp' trong vấn đề Triều Tiên

Chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington để mở các kênh liên lạc với CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump đã gọi đàm phán với Bình Nhưỡng là “phí phạm thời gian”. Diễn biến "lệch nhịp" này đã mở đầu cho các phản ứng từ dư luận.

Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một sự kiện tổ chức vào tháng 8. Ảnh: AFP

Ngày 1/10, đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi đã nói với ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng tuyệt vời của chúng ta, rằng cố gắng đàm phán với người đàn ông tên lửa bé nhỏ là lãng phí thời gian”.

“Người đàn ông tên lửa” là biệt danh mà Tổng thống Trump tự đặt cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngày 30/9, Ngoại trưởng Tillerson trong chuyến công du Trung Quốc đã phát biểu rằng Mỹ đã liên lạc trực tiếp với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa nhưng Bình Nhưỡng thể hiện không mấy mặn mà với đối thoại. Trước các phóng viên, ông Tillerson nói: “Chúng tôi đã hỏi: Các bạn có muốn nói chuyện không?”. Ngoại trưởng Tillerson đồng thời nêu Mỹ có “hai đến ba kênh đối thoại mở với Bình Nhưỡng”.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Lieu cho rằng động thái của Tổng thống Mỹ không chỉ "khiến ông Rex Tillerson lúng túng mà còn gây bối rối cho người dân Mỹ và các lãnh đạo thế giới".

Hạ nghị sĩ Adam Schiff trong khi đó đăng trên Twitter: "Nếu ông Tillerson đang lãng phí thời gian thì đó chỉ có thể bắt nguồn từ việc lãnh đạo của ông ấy không thể hiểu được hậu quả khủng khiếp nếu chiến tranh xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên".

Cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ, ông R.C. Hammond, đã bác bỏ các đề xuất về việc ông Tillerson nên từ chức. Đồng thời, ông Hammond đã viết trên Twitter: “Các kênh liên lạc đã được mở trong nhiều tháng. Nhưng chúng chưa được sử dụng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 1/10 cũng đăng trên Twitter: “Các kênh ngoại giao đang được mở cho ông Kim Jong-un. Nhưng chúng không mở mãi mãi”.

Kênh CNN dẫn lời ông Bruce Klingner, một chuyên gia về Triều Tiên tại Quỹ Heritage (Mỹ) cho biết Washington từng liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng qua phái đoàn tại Liên Hợp Quốc được gọi với tên "Kênh New York". Tuy nhiên kênh liên lạc này đã bị cắt vào tháng 7/2016 sau đó được mở lại liên quan đến vụ việc sinh viên Mỹ Otto Warmbier
bị bắt tại Triều Tiên.

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), các đời ông chủ Nhà Trắng trước đây từng nỗ lực đàm phán với Triều Tiên nhưng đều gặp thất bại trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.

Vào ngày 29/8 và 15/9, Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản và vào ngày 3/9 Bình Nhưỡng đã thử bom nhiệt hạch.

Vào ngày 19/9, Tổng thống Trump trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đe dọa “hoàn toàn hủy diệt Triều Tiên” nếu buộc phải tự vệ và bảo vệ đồng minh, bên cạnh đó ông chủ Nhà Trắng thứ 45 còn nhận định rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang trong "sứ mệnh tự sát”.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Chuyên gia Anh: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên là một khả năng thực sự
Chuyên gia Anh: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên là một khả năng thực sự

Một nhóm chuyên gia Anh nhận định rằng một cuộc chiến kéo dài giữa Mỹ và Triều Tiên là “một khả năng thực sự” hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN