Dư luận thế giới đã có những phản ứng trái chiều xung quanh bài phát biểu về chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 19/5 (giờ địa phương).
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về Trung Đông và Bắc Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Mỹ, các quan chức phụ trách tình hình Trung Đông đánh giá bài phát biểu của Tổng thống Obama đưa ra vào thời điểm này là "khoảnh khắc của sự thật". Cựu Hạ nghị sỹ Mỹ Robert Wexler và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình hình Trung Đông Daniel Abraham nhận định việc lần đầu tiên một tổng thống Mỹ công khai kêu gọi giải quyết cuộc xung đột Ixraen - Palextin dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967 đã giúp giới lãnh đạo của cả hai quốc gia Trung Đông này đưa ra được quyết định trên cơ sở hai bên cùng có lợi và phù hợp với quan điểm của Mỹ. Ông Wexler cho rằng với chính sách trên, Tổng thống Obama đã tạo cho người dân Ixraen và Palextin một tương lai rộng mở và an toàn.
Cựu cố vấn về các vấn đề Trung Đông thuộc Hội đồng Tình báo quốc gia, ông Stephen P.Cohen, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ công bố một chính sách nghiêm túc đối với Trung Đông kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Về việc Mỹ sẽ hoãn nợ 1 tỷ USD cho Ai Cập và cho nước này vay thêm 1 tỷ USD, ông Cohen nói rằng "không dễ để thực hiện những cam kết của Tổng thống Obama", song ông Ôbama đã "trình bày được một số bước đi có thể thực hiện, bao gồm sự ủng hộ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động tích cực vì sự phát triển kinh tế tại Ai Cập".
Theo ông Saeb Erekat, trưởng đoàn đàm phán của Palextin, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm nối lại các cuộc đàm phán với Ixraen, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Ixraen và Palextin sẽ sớm đạt được thỏa thuận về quy chế cuối cùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bài phát biểu của Tổng thống Obama cũng gặp phải không ít phản ứng trái chiều. Bày tỏ quan điểm về chính sách đường biên giới 1967, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu khẳng định nước này không nên bị yêu cầu rút về các đường biên giới có từ trước cuộc chiến năm 1967 do sẽ khiến các khu dân cư đông đúc của Ixraen ở Judea và Bờ Tây nằm ngoài những đường biên giới đó. Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Ixraen đã kêu gọi Oasinhtơn xác nhận sẽ giữ vững những đảm bảo dành cho Ixraen mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra năm 2004.
Trong khi đó, Phong trào Hồi giáo Hamas, hiện đang kiểm soát Dải Gaza, đã kêu gọi Tổng thống Mỹ phải có những hành động cụ thể chứ không phải chỉ hô hào bảo vệ các quyền lợi của người Palextin. Người phát ngôn của Hamas tại Gada, ông Sami Abou Zouhri, cũng đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Obama nối lại hòa đàm và công nhận Ixraen. Ông Zouhri nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định hòa giải giữa các phe phái Palextin là công việc nội bộ của Palextin. Hamas sẽ không thừa nhận sự chiếm đóng của Ixraen".
Trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Obama cho biết Mỹ đang xem xét thay đổi chính sách của nước này với thế giới Arập nhằm tránh sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và cộng đồng Hồi giáo.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp cấp cao nhằm xem xét các thỏa thuận đã ký với Ixraen và những vấn đề liên quan tới tiến trình hòa bình. Tổng thống Abbas kêu gọi Ixraen cũng làm tương tự để đem lại cho tiến trình hòa bình một cơ hội xứng đáng. Tổng thống Abbas cũng quyết định tổ chức một cuộc họp khẩn cấp khác để tham vấn các nước Arập về bài diễn văn của ông Obama.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Ixraen đã thông qua kế hoạch xây dựng hơn 1.500 ngôi nhà định cư ở Đông Jerusalem, trong đó có 620 căn nhà tại khu định cư Pisgat Zeev và 900 căn nhà khác ở khu định cư Har Homa. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng Netanyahu đáp máy bay đi Oasinhtơn, nơi ông sẽ hội đàm với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng trong ngày 20/5 và có bài phát biểu quan trọng trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào tuần tới.
TTXVN