Ngày 20/4, lần đầu tiên phe đối lập tại Libi đã đề nghị nước ngoài triển khai bộ binh ở quốc gia Bắc Phi này. Hãng AFP dẫn lời ông Nuri Abdullah Abdullati, quan chức cấp cao của lực lượng nổi dậy đang kiểm soát thành phố Misrata, kêu gọi Anh và Pháp đưa quân đến Misrata để hỗ trợ họ chống lại các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Libi.
Cảnh hoang tàn tại thành phố Misrata sau các cuộc đấu súng ác liệt giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và phe nổi dậy tại Libi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phản ứng trước đề nghị triển khai bộ binh của phe đối lập Libi, người phát ngôn chính phủ Pháp Francois Baroin ngày 20/4 tuyên bố Pháp sẽ chỉ cử một “nhóm nhỏ” sĩ quan quân đội tới Libi để “cố vấn” cho Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp của lực lượng nổi dậy. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Christine Fage, nhiệm vụ của nhóm sĩ quan này là cố vấn về mặt kỹ thuật, hậu cần và tổ chức cho phe đối lập Libi trong việc “bảo vệ dân thường và cải thiện hoạt động phân phát viện trợ nhân đạo”. Trước đó, Pháp đã chính thức bác bỏ ý tưởng triển khai quân trên bộ và ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libi. Thủ tướng Pháp Francois Fillon cho rằng không nên giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libi bằng hành động quân sự của liên quân mà cần tìm một giải pháp chính trị cho các bên đối thoại để phá vỡ bế tắc.
Anh cùng ngày thông báo sẽ cử 12 cố vấn quân sự đến miền đông Libi với nhiệm vụ cố vấn cho lực lượng nổi dậy cải cách cơ cấu tổ chức, thông tin liên lạc và hậu cần. Ngoại trưởng Anh Willia Hague khẳng định, các cố vấn quân sự của nước này sẽ không tham gia các công việc huấn luyện, vũ trang và lên kế hoạch cho phe đối lập Libi.
Trong khi đó, hãng thông tấn JANA của Libi cùng ngày đưa tin, chính phủ Libi kiên quyết bác bỏ đề nghị của Liên minh châu Âu (EU) về việc cử bộ binh đến Libi để bảo vệ hoạt động nhân đạo. Tripôli tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại bất cứ đội quân nước ngoài nào đặt chân lên lãnh thổ Libi, kể cả trong trường hợp lực lượng này chỉ thực hiện nhiệm vụ hộ tống các đoàn xe chuyên chở hàng viện trợ nhân đạo. Phát biểu trên đài BBC, Ngoại trưởng Libi Abdelati Laabidi nhấn mạnh “bất kỳ sự hiện diện quân sự nào” ở Libi sẽ gây hại tới các cơ hội hòa bình trong nước và làm sa lầy cuộc chiến Libi. Ông Laabidi khẳng định nếu liên quân ngừng ném bom và có một lệnh ngừng bắn thực sự, chính phủ Libi có thể tiến hành đối thoại với tất cả các phe phái trong nước về những vấn đề dân chủ, cải cách chính trị, hiến pháp và bầu cử. Theo ông Laabidi, trong trường hợp liên quân chấm dứt hoạt động không kích Libi, Tripôli có thể tổ chức một cuộc bầu cử 6 tháng sau đó dưới sự giám sát của LHQ.
Trong một diễn biến có liên quan, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định trên tờ Financial Times số ra ngày 20/4 rằng, NATO có thể giải quyết vấn đề Libi mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Theo ông Biden, Mỹ không thể gánh vác tất cả các trách nhiệm và cần lựa chọn tập trung nguồn lực vào các điểm nóng như Iran, Ai Cập, Ápganixtan, Pakixtan…
Chưa có lối thoát cho Nigiêria và Yêmen
Ngày 20/4, bạo lực đã bùng phát tại nhiều địa phương ở Nigiêria sau khi kết quả bầu cử được công bố một ngày trước đó với việc đương kim Tổng thống Goodluck Jonathan tái đắc cử. Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Nigiêria, 5 văn phòng của ủy ban này tại bang Bauchi ở miền đông bắc đã bị đốt phá, hơn 500 máy tính xách tay, 13 máy phát điện đã bị phá hỏng, các vật dụng khác như bàn ghế, thiết bị văn phòng, cửa sổ và cửa chính cũng bị đốt cháy hoặc lấy đi.
Người dân Nigiêria theo dõi thông tin về các cuộc bạo động trong nước sau cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo các nguồn tin nước ngoài, làn sóng bạo động tại Nigiêria đã làm ít nhất 17 người đã thiệt mạng và 71 người bị thương ở bang Gombe. An ninh tại các thành phố lớn ở miền bắc như Abuja, Lafia, Taraba và thành phố Yola ở miền tây bắc cũng rơi vào tình trạng bất ổn. Tại khu vực Barnawa của Kaduna (tây bắc Nigiêria), nhiều nhà thờ, tòa nhà công cộng bị đốt cháy.
Tình hình bạo lực tràn lan tại Nigiêria khiến dư luận quốc tế hết sức quan ngại. Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/4 ra thông cáo bày tỏ lo ngại về tình hình tại Nigiêria, đồng thời kêu gọi sớm khôi phục trật tự và an ninh, nhân phẩm và tài sản của người dân tại đất nước châu Phi này. Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi các chính khách Nigiêria khuyên can những người ủng hộ không tiến hành các hành vi bạo lực và những hành vi có thể làm suy yếu sự toàn vẹn của đất nước. Cũng trong ngày 20/4, Ngoại trưởng Mỹ Hilarri Clinton đã chúc mừng ông Jonathan chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nigiêria, cho rằng đây là “bước khởi đầu mới tích cực” cho đất nước Nigiêria.
Trong khi đó, tại Yêmen ngày 20/4, phái đoàn của Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã trình một sáng kiến mới về chuyển giao quyền lực tại cuộc họp đặc biệt của ngoại trưởng các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở Abu Đabi (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE). Theo đó, Tổng thống Saleh sẽ rút lui và chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Sáng kiến cũng đề xuất thời gian biểu cho quá trình chuyển giao quyền lực để đổi lại việc ông Saleh cùng gia đình được hưởng quyền miễn truy tố sau khi ông thoái vị. Một quan chức chính phủ Yêmen cho rằng nếu đề xuất do GCC làm trung gian không thiết lập được mối liên lạc giữa đảng cầm quyền của ông Saleh và phe đối lập, thì đất nước Yêmen có thể rơi vào cuộc nội chiến và ảnh hưởng xấu đến các nước GCC láng giềng (gồm Arập Xêút, UAE, Baranh, Ôman, Cata và Côoét). Cuộc họp của ngoại trưởng GCC ở Abu Đabi hiện chưa đưa ra được thỏa thuận hòa giải nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Yêmen.
Cùng ngày, HĐBA LHQ cũng đã có cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Yêmen, nhưng không đưa ra được một tuyên bố chung, mà chỉ “bày tỏ lo ngại” về vấn đề này.
H.H