Sau phiên họp của Hội đồng Quốc phòng tại điện Elysée ở thủ đô Paris ngày 5/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo nước này quyết định tiến hành can thiệp quân sự vào Cộng hòa Trung Phi ngay trong tối cùng ngày, do tình hình đã trở nên hết sức cấp bách. Phóng viên TTXVN tại Paris dẫn phát biểu của Tổng thống Hollande được truyền hình trực tiếp cho biết 600 binh lính Pháp đã được triển khai tại CH Trung Phi, con số đó sẽ tăng lên gấp đôi trong vài ngày tới và cũng có thể là vài giờ tới. Ông Hollande cũng nêu rõ mục đích của hành động can thiệp lần này là nhằm "hỗ trợ một nước nhỏ, một nước bạn bè, khi được nước đó yêu cầu", và nhấn mạnh "Nước Pháp được mong chờ giúp ngăn chặn một thảm họa nhân đạo".
Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, chiều cùng ngày, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2127 theo đề nghị của Pháp, cho phép quân đội nước này tại CH Trung Phi tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ lực lượng châu Phi thuộc Phái bộ Quốc tế Hỗ trợ Trung Phi (MISCA) hoàn thành sứ mệnh của họ tại đây.
Nghị quyết được thông qua vào thời điểm vừa diễn ra các vụ xung đột đẫm máu giữa lực lượng cựu phiến quân với lực lượng dân quân làm hàng trăm người chết và bị thương, buộc Tổng thống CH Trung Phi Michel Djotodia phải kéo dài lệnh giới nghiêm tại thủ đô thêm 4 tiếng đồng hồ, từ 18h ngày 5/12 đến 6h sáng 6/12. Các cuộc giao tranh ác liệt cũng buộc Pháp phải triển khai khẩn cấp 250 quân tại đây. Theo báo chí Pháp, gần 80 thi thể đã được chuyển về nhà thờ Hồi giáo Bangui và nằm rải rác trên đường phố sau khi giao tranh dữ dội xảy ra.
Nghị quyết 2127 cũng dự kiến sẽ chuyển lực lượng MISCA thành lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ khi điều kiện cho phép. Trong ba tháng tới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon sẽ soạn thảo một báo cáo về vấn đề này. Theo ông Ban Ki-moon, để đảm bảo thành công cho một chiến dịch như vậy, cần huy động từ 6.000-9.000 binh lính thuộc lực lượng mũ nồi xanh.
Đại sứ Mỹ Samantha Power cho biết Mỹ hoàn toàn ủng hộ quân đội châu Phi và Pháp trong sứ mệnh này và cam kết sẽ đóng góp 40 triệu USD cho lực lượng MISCA. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét nhiều biện pháp hỗ trợ mà chủ yếu là hỗ trợ tài chính với số tiền có thể lên đến hàng chục triệu euro.
Tuần tới, Tổng thống Pháp sẽ phát biểu trước Quốc hội để giải thích về hành động can thiệp quân sự lần này, một sự can thiệp mà ông "tin tưởng sẽ thành công" và "quân đội Pháp sẽ không có sứ mệnh phải đồn trú lâu dài" tại đây.
TTXVN/Tin tức