Pháp đã triển khai 40.000 cảnh sát trong nỗ lực dập tắt tình trạng bất ổn đang lan rộng. Trong số những người bị bắt giữ, có 307 người ở vùng đô thị Paris.
Thông báo trên trang Twitter, Bộ trưởng Gerald Darmanin miêu tả: "Một đêm bạo loạn hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với những biểu tượng của một cộng hòa với việc các tòa thị chính, trường học và cảnh sát đều bị tấn công hoặc phóng hỏa".
Biểu tình và bạo loạn đã bùng phát và xảy ra liên tiếp trong ba ngày qua sau khi vào sáng 27/6 (theo giờ địa phương) đã xảy ra vụ việc cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi tên Nahel M vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông.
Các cuộc biểu tình và bạo loạn đã làm rúng động nước Pháp. Các video trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy nhiều vụ cháy trên khắp nước Pháp, bao gồm cả tại một bến xe buýt ở ngoại ô phía Bắc Paris và một xe điện ở Lyon. Là một phần trong nỗ lực khôi phục trật tự an toàn xã hội, các dịch vụ xe điện và bus ở thủ đô Paris đã tạm ngừng hoạt động sau 9h tối ngày 29/6 theo giờ địa phương (tức 19h theo giờ GMT). Tuy nhiên, biện pháp này cùng với việc thắt chặt an ninh dường như không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng bất ổn vào đêm 29/6. Gần 250 cảnh sát chống bạo động và hiến binh đã bị thương khi triển khai nỗ lực dập tắt bạo loạn.
Tổng thống Emmanuel Macron dự định sẽ rời hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức ở Brussels (Bỉ) để quay trở về Pháp và tổ chức cuộc họp an ninh khẩn cấp tối 30/6. Trước đó, Tổng thống Macron nói rằng vụ cảnh sát bắn người thanh niên nói trên là không thể biện minh và không thể tha thứ.
Chính phủ Pháp đã bất ngờ ngừng triển khai tình trạng khẩn cấp - một biện pháp được thực thi để dập tắt bạo loạn ở nước này hồi năm 2005 sau khi xảy ra hai cậu bé gốc Phi thiệt mạng do bị cảnh sát rượt đuổi. Các cuộc bạo loạn vào năm đó vẫn khiến nước Pháp bị ám ảnh và lo sợ nguy cơ lặp lại các cuộc bạo loạn như vậy. Những cuộc biểu tình và bạo loạn hồi năm 2005 đã khiến gần 6.000 người bị bắt giữ.