Pháp bình luận về khả năng gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine

Trong cuộc họp báo chung ngày 22/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định cam kết ủng hộ vững chắc đối với Ukraine cho đến chừng nào còn cần.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/1 tại điện Elysee ở Paris. Ảnh: AFP

Theo đài RT (Nga), cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine cần được tất cả “những người bạn” của Kiev cùng chấp thuận. 

Khi được hỏi về khả năng gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc tới Kiev, Tổng thống Pháp Macron nói rằng “không có gì bị loại trừ”, đồng thời khẳng định ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng làm việc về vấn đề này. Tuy nhiên, ông lưu ý bất kỳ quyết định cuối cùng nào cũng sẽ phải được đưa ra sau cuộc thảo luận tập thể dựa trên một số cân nhắc.

Theo ông Macron, Pháp không muốn động thái này làm suy yếu khả năng phòng thủ của đất nước, đồng thời thận trọng trước nguy cơ leo thang xung đột. Một mối quan tâm khác đó là Paris chỉ cung cấp “viện trợ thực sự và hiệu quả” dưới dạng vũ khí mà lực lượng Ukraine có thể sử dụng trên chiến trường, mà không cần huấn luyện nhiều tháng hoặc hàng năm.

Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Scholz đã né tránh câu hỏi tương tự về việc viện trợ xe tăng Leopard cho Ukraine. Ông nói một cách mơ hồ rằng Đức sẽ tiếp tục hành động tùy theo tình hình cụ thể và phối hợp chặt chẽ với những người bạn và đồng minh quan trọng.

“Đức cũng đang nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi đã không ngừng mở rộng việc cung cấp các loại vũ khí rất hiệu quả có sẵn hiện nay cho Ukraine”, Thủ tướng Scholz cho biết.

Tuần trước, tờ Politico đưa tin rằng Paris đang cân nhắc chuyển giao xe tăng Leclerc cho Ukraine, trong nỗ lực thành lập khuôn khổ chung để vượt qua sự phản đối của Đức.  

Trước những thông tin cho rằng Berlin không sẵn sàng gửi xe tăng do nước này sản xuất tới Ukraine, trừ phi Mỹ có động thái tương tự, một nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất cung cấp cho Ukraine một chiếc xe tăng Abrams duy nhất.

Với gợi ý này, Đức có thể không có lý do gì để trì hoãn việc gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của mình tới chiến trường Ukraine nữa.

Sau khi Anh xác nhận sẽ gửi 14 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 tới Ukraine vào đầu tháng này, Đức đang đối mặt với hàng loạt sức ép về việc cung cấp Leopard cho Kiev. 

Ba Lan cũng tuyên bố sẽ chuyển giao Leopard 2 cho Ukraine, nhưng việc tái xuất số xe tăng này trong kho cần được Đức “bật đèn xanh”.

Hôm 22/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ám chỉ rằng Berlin “sẽ không cản đường” nếu Ba Lan thực hiện động thái này. Song bà Baerbock lưu ý rằng Warsaw vẫn chưa liên hệ với Berlin về vấn đề này.

Về phần mình, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cùng ngày cũng cảnh báo “thảm kịch toàn cầu” có thể xảy ra với nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ của Nga, như họ đe dọa sẽ thực hiện, thì Moskva sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn”, ông Volodin nói.

Nga trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO và bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Gợi ý bất ngờ của Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhằm gỡ nút thắt gửi xe tăng cho Ukraine
Gợi ý bất ngờ của Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhằm gỡ nút thắt gửi xe tăng cho Ukraine

Với gợi ý này, Đức có thể không có lý do gì để trì hoãn việc gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của mình tới chiến trường Ukraine nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN