Pháp chưa thể hạ thấp cảnh giác trong cuộc chiến chống COVID-19

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 18/2 tuyên bố Pháp chưa được phép hạ thấp cảnh giác trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi mà dịch bệnh tiếp tục lây lan và nguy cơ quá tải ở các bệnh viện vẫn hiện hữu.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo hằng tuần về tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Veran cho rằng hiện còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế đang được áp đặt nhằm kiềm chế đại dịch. Theo ông, nếu các quy định phòng dịch được nới lỏng vào thời điểm hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong tương lai gần.

Cùng ngày 18/2, Pháp ghi nhận thêm 22.501 ca nhiễm mới, giảm từ 25.018 ca thông báo một ngày trước đó, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 3,53 triệu ca - đứng thứ 6 trên thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Anh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp cũng tăng lên 83.393 ca sau khi có thêm 271 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp số người phải nằm viện giảm, xuống 25.762 người, trong đó có 3.394 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. 

Về các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Pháp, hiện số ca nhiễm biến thể Anh chiếm 36% số ca bệnh ở Pháp, tăng so với 25% thông báo cách đây 1 tuần. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Nam Phi và Brazil chiếm 5%. Do đó, Bộ trưởng Veran đã thông báo tăng thời gian cách ly từ 7 ngày lên 10 ngày, bắt đầu từ ngày 20/2 tới đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Còn đối với những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 phải tự cách ly 7 ngày.

Pháp lựa chọn chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo từng giai đoạn, theo đó tập trung trước tiên vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những người từ 75 tuổi trở lên. Đến nay, hơn 75% số người cao tuổi tại các viện dưỡng lão ở Pháp đã được tiêm ít nhất là mũi đầu tiên. Dự kiến, đến cuối tháng 3 tới, Chính phủ Pháp sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng đến nhóm đối tượng từ 65-74 tuổi. 

* Trong khi đó, tại Hungary, chính phủ nước này ngày 18/2 đã bắt đầu chương trình khảo sát trực tuyến cấp quốc gia về khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế đang được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh, dù giới chức y tế vẫn cảnh báo về sự gia tăng số ca nhiễm mới và phải nhập viện vì COVID-19. 

Chương trình này gồm 7 câu hỏi liên quan đến việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, như các biện pháp hạn chế nên được dỡ bỏ theo từng bước hay chỉ dỡ bỏ sau khi dịch bệnh chấm dứt; những biện pháp nào nên được dỡ bỏ đầu tiên như lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, lệnh đóng cửa khách sạn, nhà hàng, rạp hát và các trung tâm thể thao. Những người tham gia khảo sát cũng cần trả lời những câu hỏi liên quan đến quyền miễn trừ đối với những người có giấy chứng nhận rằng họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc có miễn dịch tự nhiên sau khi đã mắc bệnh. 

Cuộc khảo sát trên diễn ra trong bối cảnh giới chức Hungary cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 3 khi số ca nhiễm mới theo ngày hiện đã tăng lên gần 3.000 ca, cao hơn nhiều so với số mắc mới mỗi ngày thường ở dưới mức 1.000 ca trong những tuần trước.

Ngày 18/2, Hungary ghi nhận 2.853 ca nhiễm mới và 104 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 394.023 ca và 14.035 ca. Hungary đã cấp phép lưu hành cho các loại vaccine ngừa COVID-19 như Sputnik V, AstraZeneca và Sinopharm, ngoài vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna được cung cấp thông qua Liên minh châu Âu (EU). Hiện Hungary đã nhận được lô vaccine Sinopharm đầu tiên mà nước này mua của Trung Quốc hôm 16/2 vừa qua.

Trần Quyên (TTXVN)
Các trường hợp nhiễm biến thể từ Anh chiếm 25% số ca tại Pháp
Các trường hợp nhiễm biến thể từ Anh chiếm 25% số ca tại Pháp

Bộ Y tế Pháp ngày 11/2 công bố báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 nước này, trong đó cho biết số ca dương tính với biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh chiếm 25% tổng số ca nhiễm mới tại Pháp, trong khi đó số ca dương tính với biến thể tại Nam Phi và Brazil chỉ chiếm 4% đến 5%. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN