Kế hoạch bao gồm 80 biện pháp, bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên thông qua một chuyến đi bắt buộc hằng năm đến các khu tưởng niệm, trong đó có các khu tưởng niệm nạn nhân vụ diệt chủng Holocaust. Các khu tưởng niệm này là minh chứng cho những nỗi kinh hoàng mà nạn phân biệt chủng tộc có thể gây ra. Kế hoạch cũng bao gồm các biện pháp nâng cao nhận thức của giáo viên và công chức về tình trạng phân biệt đối xử, cùng với việc gia tăng trừng phạt đối với những cá nhân bị cáo buộc phân biệt đối xử. Ngoài ra, những đối tượng có phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái cũng sẽ bị bắt giữ.
Phát biểu tại Viện Thế giới Arab có trụ sở ở Paris, Thủ tướng Borne cho rằng nước Pháp cần nhìn thẳng vào thực tế tình trạng phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, đồng thời không nhượng bộ với những người xuyên tạc lịch sử. Bà tuyên bố những cá nhân có hành vi thù ghét sẽ đối mặt với trừng phạt.
Theo bà Borne, kế hoạch trên cho phép các nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử nộp đơn khiếu nại bên ngoài đồn cảnh sát theo cách ẩn danh. Kế hoạch cũng sẽ xây dựng tình huống tăng nặng nếu người có thẩm quyền, như sĩ quan cảnh sát, sử dụng những từ ngữ phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử với người khác.
Chính phủ Pháp đã triển khai một loạt kế hoạch trong 5 thập niên qua, với kế hoạch gần đây nhất là vào năm 2018, để đối phó với nạn phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và phân biệt đối xử. Mặc dù vậy, theo Ủy ban Tư vấn quốc gia Pháp về vấn đề quyền con người, ước tính mỗi năm 1,2 triệu người phải hứng chịu ít nhất một lần bị phân biệt chủng tộc, bài Do Thái hoặc bài ngoại.