Theo kênh truyền hình RT, phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh về Ukraine, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 26/2 không loại trừ khả năng triển khai lực lượng mặt đất phương Tây để hỗ trợ Kiev trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh Paris sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo “Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này”. Tương tự, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng lặp lại đề xuất này trong một phát biểu trên đài truyền hình RTL ngày hôm sau.
Cũng trong bài phát biểu, ông Macron tuyên bố Pháp đang dẫn đầu một liên minh mới cung cấp cho Ukraine tên lửa và bom tầm trung, tầm xa. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết mục tiêu của liên minh này để giúp Kiev tiến hành các cuộc tấn công sâu trong bối cảnh viện trợ từ Mỹ đang bị đình trệ. Theo nhà lãnh đạo Pháp, các nước cần có sự đồng thuận rộng rãi để cùng nhau hỗ trợ Kiev nhanh và nhiều hơn.
Tuy nhiên, ngay lập tức, một loạt nước phương Tây, bao gồm Vương quốc Anh, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Phần Lan và Thụy Điển, lên tiếng bác bỏ đề xuất triển khai quân của Pháp.
Theo một hãng tin nước ngoài, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Chúng tôi vẫn chưa lên bất kỳ kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO trên thực địa ở Ukraine”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho hay ngoài số lượng nhỏ nhân sự đã được cử đến Ukraine để hỗ trợ lực lượng vũ trang của quốc gia này, Anh không có bất kỳ kế hoạch nào về việc triển khai một cuộc tấn công quy mô lớn.
Trả lời trên đài truyền hình công cộng SVT, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh chưa tính đến việc triển khai quân đội vào lúc này. Stockholm đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 2 triệu USD cho Kiev vào tuần trước và Thủ tướng Kristersson cũng cho biết hiện tại Ukraine không có nhu cầu về lực lượng bộ binh phương Tây.
Về phần mình, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto chia sẻ với hãng tin Yle rằng phần lớn các quốc gia dự hội nghị thượng đỉnh ở Pháp phản đối việc triển khai quân NATO ở Ukraine. Đây cũng là quan điểm của Phần Lan.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định Warsaw không có kế hoạch đưa quân tới lãnh thổ Ukraine. Người đồng cấp Séc Petr Fiala cũng nói rằng không cần để ngỏ một số phương pháp khác để giúp đỡ Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thậm chí còn dứt khoát hơn khi tuyên bố các nước châu Âu, NATO sẽ không gửi bộ binh đến Ukraine trong tương lai.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh việc gói viện trợ cho Ukraine của Mỹ đang bị treo tại quốc hội. Các nhà lập pháp đảng Cộng hoà tại Hạ viện nói rõ rằng họ sẽ chỉ nhượng bộ gói viện trợ 60 tỷ USD cho Kiev nếu Nhà Trắng đồng ý thắt chặt kiểm soát biên giới của Mỹ và ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Mexico.
Phản ứng trước những bình luận từ phía Pháp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo về nguy cơ không thể tránh khỏi trước một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga nếu binh sĩ phương Tây được triển khai tới Ukraine. Nga nhiều lần lên án việc các nước phương Tây chuyển giao vũ khí tầm xa, cho rằng việc này sẽ chỉ kéo dài chiến tranh một cách không cần thiết và không làm thay đổi kết quả cuối cùng.
Đầu tháng này, Paris và Kiev đã ký một hiệp ước an ninh song phương, theo đó Pháp cam kết viện trợ quốc phòng trị giá 3 tỷ euro vào cuối năm nay. Vào tháng 1, Tổng thống Macron tiết lộ kế hoạch cung cấp thêm 40 tên lửa hành trình tầm xa SCALP-EG và hàng trăm quả bom cho Ukraine. Tháng 7 năm ngoái, Paris đã đồng ý chuyển giao các tên lửa có tầm bắn hơn 250 km, vài tháng sau khi Anh đồng ý một động thái tương tự.