Phát biểu trên kênh truyền hình BFM, Bộ trưởng Veran nêu rõ nếu tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng mạnh trở lại, Chính phủ Pháp sẽ "một lần nữa triển khai các biện pháp phong tỏa". Bình luận về việc phát hiện những ổ dịch mới trên đất nước, ông cho biết: "Tôi không lấy làm ngạc nhiên. Điều này cho thấy chúng ta vẫn đang phải sống chung với virus. Chúng ta càng cảnh giác thì số ổ dịch mới sẽ càng ít."
Với số ca tử vong do mắc COVID-19 cao thứ năm thế giới, Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3 vừa qua nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh. Các giải pháp từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được triển khai từ ngày 11/5. Tuy nhiên, giới chức y tế Pháp yêu cầu người dân hết sức thận trọng trong giai đoạn "chung sống cùng dịch bệnh", nhấn mạnh điều này có ý nghĩa quyết định đối với khả năng khống chế hẳn dịch COVID-19. Nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn rất lớn khi Cơ quan Y tế vùng Nouvelle-Aquitaine ở phía Tây Nam nước Pháp, một vùng được xếp vào nhóm ít nguy cơ, đã xác nhận hai ổ dịch mới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch và hàng không quốc tế, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Clavino cho biết nước này ủng hộ một phản ứng chung của châu Âu hỗ trợ ngành hàng không vốn chịu thiệt hại nặng nề do các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trả lời phỏng vấn truyền hình Bloomberg, Bộ trưởng Calvino nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ một phản ứng chung của châu Âu", nhấn mạnh mọi phản ứng của từng quốc gia cũng không nên "bóp méo" sự cạnh tranh. Bà nhấn mạnh tất cả những hãng hàng không lớn "không chỉ mang 1 quốc tịch" mà là "các hãng vận chuyển châu Âu". Vì vậy, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần đảm bảo một "sân chơi công bằng" cho các hãng hàng không, và các quốc gia giàu có không nên cung cấp thêm hỗ trợ cho các hãng hàng không quốc gia, có thể làm phương hại tới hãng hàng không của các nước khác.
Theo Bộ trưởng Calvino, Ủy ban châu Âu cần theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo không có sự vi phạm các quy tắc cạnh tranh. Quan chức này cũng tái khẳng định lập trường của Tây Ban Nha ủng hộ việc thành lập một quỹ phục hồi EU có sự đóng góp của các nước thành viên.
Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không lớn châu Âu, trong đó có Lufthansa của Đức, đang thương thảo về các thỏa thuận hỗ trợ của chính phủ trong khi phải vật lộn với các biện pháp hạn chế đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu, cũng như sự bất ổn trong triển vọng phục hồi một khi đại dịch lắng xuống.
Cho tới nay, các nước châu Âu đều triển khai kế hoạch hỗ trợ khác nhau dành cho các hãng hàng không. Trong khi liên minh Air France-KLM của Pháp nhận được 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD) từ Chính phủ Pháp và 2,4 tỷ euro (2,6 tỷ USD) từ Chính phủ Hà Lan, tập đoàn hàng không quốc tế International Consolidated Airlines (IAG), công ty chủ quản hãng hàng không British Airways (Anh) và Iberia (Tây Ban Nha), chỉ được đảm bảo khoản vay 1 tỷ euro (1,08 tỷ USD) từ Tây Ban Nha.
* Trong diễn biến khác, cùng ngày, hãng hàng không KLM (Hà Lan), công ty con của liên minh Air France-KLM, thông báo hành khách đi trên tất cả các chuyến bay của hãng phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình bắt đầu từ ngày 11/5. Tuyên bố của KLM nêu rõ việc đeo khẩu trang trước và trong chuyến bay là điều "bắt buộc" đối với hành khách của KLM.
Các hành khách, trừ trẻ em dưới 10 tuổi, phải đảm bảo mang theo khẩu trang hay các biện pháp bảo vệ khu vực mũi, miệng để bảo vệ tránh nguy cơ lây nhiễm. Những hành khách không có biện pháp phòng ngừa theo quy định sẽ không được phép lên máy bay. Biện pháp này được áp dụng tới ngày 31/8 tới.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cơ quan đại diện cho các hãng hàng không toàn cầu, đã thể hiện sự ủng hộ quy định đeo khẩu trang đối với hành khách trên các chuyến bay. Hãng hàng không Air France (Pháp), cũng đã thông báo biện pháp tương tự vào ngày 5/5 vừa qua, trong khi hai hãng Lufthansa (Đức) và Wizz Air (Hungary) cũng nằm trong số những hãng hàng không áp dụng quy định đeo khẩu trang trên các chuyến bay.