Chính phủ Pháp muốn thay thế dầu của Nga bằng cách cho phép dầu thô bị trừng phạt từ Iran và Venezuela quay trở lại thị trường toàn cầu. Thông tin này được các hãng thông tấn đưa ngày 27/6, dẫn nguồn từ văn phòng của Tổng thống Emmanuel Macron.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Điện Élysée cho biết, Paris cũng muốn một cơ chế nhằm giới hạn giá dầu càng rộng càng tốt và không giới hạn đối với hàng xuất khẩu của Nga.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nhóm các quốc gia G7, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật Bản, đang nhóm họp tại Đức để thảo luận về cách thức gia tăng áp lực kinh tế đối với Nga với hy vọng buộc nước này từ bỏ hoạt động quân sự ở Ukraine.
Iran, quốc gia nắm giữ 1/4 trữ lượng dầu ở Trung Đông, hiện đang bị Mỹ và các đồng minh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn để trừng phạt chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Tehran vẫn xuất khẩu được dầu thô, trong đó Trung Quốc là khách mua lớn nhất. Tổng thống Iran tháng trước cho biết xuất khẩu dầu của nước này đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, đã bị Mỹ trừng phạt trong hơn 15 năm qua. EU cũng áp đặt các hạn chế đối với Caracas từ năm 2017 với lý do đưa ra là lo ngại về tình trạng dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2, tiếp theo là loạt lệnh cấm vận của Mỹ, châu Âu đối với dầu mỏ Nga, Washington chỉ ra rằng họ có thể giảm bớt áp lực kinh tế đối với Venezuela, bao gồm việc cho phép tăng xuất khẩu dầu.
Đầu tháng này, Iran và Venezuela đã ký một thỏa thuận hợp tác kéo dài 20 năm về năng lượng, cụ thể là dầu và khí đốt, bên cạnh một số lĩnh vực khác.