Tổng thống Macron tuần trước khẳng định không hủy bỏ những bức tranh biếm họa này. Ông cho biết không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan và nước Pháp không chấp nhận các phát ngôn thù địch. Phát biểu trên được đưa ra khi nhà lãnh đạo Pháp dự lễ vinh danh giáo viên lịch sử người Pháp Samuel Paty - người bị sát hại dã man hôm 16/10 do cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Bức biếm họa này từng là nguyên nhân khiến tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp bị tấn công cách đây 5 năm.
Từ cuộc chiến ngôn từ, ngoại giao…
Quan điểm của Tổng thống Pháp đã vấp phải phản đối mạnh mẽ từ thế giới Hồi giáo. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gọi phát biểu của ông Macron là “vô trách nhiệm”. Tổng thư ký GCC Nayef al-Hajraf cho rằng những bình luận của nhà lãnh đạo Pháp làm lây lan tâm lý thù hận giữa các dân tộc, trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay mở rộng bao dung và đối thoại giữa các nền văn hóa, tôn giáo.
Văn phòng Đối ngoại Pakistan ngày 26/10 cho biết nước này vừa triệu Đại sứ Pháp tại Islamabad Martine Dorance để "phản đối chiến dịch bài Hồi giáo có hệ thống ở Pháp dưới danh nghĩa tự do ngôn luận". Cùng ngày, Quốc hội nước này cũng thông qua dự luật kêu gọi chính phủ rút Đại sứ Pakistan về nước. Trước đó, Thủ tướng Imran Khan cho rằng phát biểu của ông Macron sẽ gây chia rẽ và làm tổn thương tình cảm của hàng triệu người Hồi giáo ở châu Âu và trên thế giới.
Căng thẳng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ lại được dịp bùng phát mạnh sau những tranh cãi, đối đầu liên quan đến hoạt động của Ankara ở Đông Địa Trung Hải. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bình luận rằng với việc đưa ra kế hoạch “cải tổ đạo Hồi” để đưa tôn giáo này thích ứng với những giá trị của nền Cộng hòa Pháp, ông Macron có vấn đề về tinh thần và “cần đi kiểm tra sức khỏe”. Ông Erdogan ngày 26/10 kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay hàng hóa Pháp để phản đối ông Macron.
Jordan và Kuwait cũng chỉ trích phát biểu của ông Macron liên quan đến Hồi giáo và tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jordan Dhaifallah Fayez ra tuyên bố khẳng định, phát ngôn, hành xử của phía Pháp làm tổn thương hai triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới và là đòn tấn công nhằm vào biểu tượng, tín ngưỡng và niềm tin linh thiêng, kích thích chủ nghĩa cực đoan và bạo lực cực đoan.
Còn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Kuwait nhìn nhận những phát biểu xúc phạm của Tổng thống Pháp sẽ kích thích tinh thần thù địch, bạo lực, đối đầu, hủy hoại nỗ lực của cộng đồng thế giới hướng đến hòa bình giữa các dân tộc.
Từ Tehran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter ngày 26/10 rằng Pháp đang tìm cách kích động chủ nghĩa cực đoan. Theo ông, người Hồi giáo là nạn nhân chủ yếu của lối “văn hóa thù hận” vốn được nuôi dưỡng bởi các chính quyền thực dân. Ông Zarif nhìn nhận rằng mượn việc lên án tội ác nhằm vào một giáo viên để xúc phạm đạo Hồi và niềm linh thương của người Hồi giáo chính là lạm dụng tự do ngôn luận vì mục đích cơ hội.
…đến cuộc chiến tẩy chay hàng hóa
Cuộc chiến ngoại giao ngôn từ cũng nhanh chóng lan sang phản ứng thực của người tiêu dùng. Kể từ ngày 25/10, các sản phẩm của Pháp trên kệ hàng tại nhiều siêu thị ở Jordan, Qatar và Kuwait bị dỡ xuống. Một số mặt hàng như thuốc chăm sóc tóc, đồ mỹ phẩm có xuất xứ từ Pháp cũng biến khỏi các gian trưng bày.
Tại Kuwait, Liên minh Xã hội Hợp tác Người tiêu dùng – một công đoàn lớn của các nhà bán lẻ, đã ra quyết định tẩy chay hàng Pháp để đáp lại việc ông Macron xúc phạm Nhà tiên tri Mohammed.
Tại Qatar, chuỗi siêu thị Al Meera tại nước này tuyên bố gỡ các sản phẩm của Pháp khỏi siêu thị. Một loạt những chuỗi bán lẻ khác như Qatar Shopping Complex, Souq Al Baladi hay Family Food Centre sau đó đều hưởng ứng, đồng hành với quyết định của al Meera.
Nhiều công ty tại Qatar như Wajbah Dairy, Al Meera Consumer Goods Company… ra thông báo ngừng kinh doanh các mặt hàng do Pháp sản xuất, cam kết sẽ tìm kiếm nguồn hàng thay thế. Số này khẳng định họ hành động dựa trên tầm nhìn thống nhất với đạo Hồi, truyền thống quốc gia lâu đời và phục vụ lợi ích quốc gia, tín ngưỡng quốc gia, theo mong đợi của người tiêu dùng.
Người sử dụng mạng xã hội tại Jordan phát động chiến dịch kêu gọi bài hàng hóa Pháp. Những người tiêu dùng ủng hộ chiến dịch này thay nhau phát đi dòng hastags ‘#Nhà Tiên tri của chúng ta là giới hạn đỏ’ ('#Our Prophet is a red line), ‘Tẩy chay Pháp’ (‘#France Boycott') hoặc ‘Tẩy chay hàng hóa Pháp’ ('#Boycott French Products'). Làn sóng tẩy chay qua mạng xã hội này cũng lan tới Saudi Arabia.
Trước xu thế bài hàng Pháp tại nhiều nước Hồi giáo, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố khẳng định: “Cần chấm dứt ngay lập tức những lời kêu gọi tẩy chay vô căn cứ này cũng như tất cả các cuộc tấn công nhằm vào đất nước chúng ta, vốn đang bị một nhóm thiểu số cực đoan thúc đẩy”. Ngoại trưởng Pháp Franck Riester khẳng định những công ty bị ảnh hưởng từ đợt bài hàng Pháp này sẽ được nhà nước hỗ trợ.
Trên bình diện châu Âu, chính phủ nhiều nước như Đức, Áo, Hy Lạp bày tỏ ủng hộ với ông Macron. Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel ra thông báo lên án mạnh mẽ những phát biểu gây hiềm khích của ông Erdogan. Ngoại trưởng Heiko Maas khẳng định Đức luôn đoàn kết với Pháp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, cho rằng bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào ông Macron là “quá tầm thường”.