Theo đó Pháp đã ghi nhận tổng cộng 10.995 trường hợp mắc COVID-19 và 372 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Ngoài ra, trong số 4.761 bệnh nhân phải nhập viện có 1.122 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.
Điện Elysée cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì cuộc họp Hội đồng quốc phòng trong ngày 20/3 để đánh giá việc thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa di chuyển để ngăn chặn dịch lây lan. Lệnh này có hiệu lực từ trưa 17/3, với thời hạn trước mắt là 2 tuần và có thể kéo dài thành 4 tuần tùy thuộc diễn biến tình hình thực tế.
Trong khi đó, tại Anh đang xuất hiện lo ngại nước này trở thành một "Italy thứ hai" về số ca tử vong do COVID-19 trong những ngày tới.
Theo phóng viên TTXVN tại London, tính từ thời điểm có ca tử vong đầu tiên do mắc COVID-19 ở Anh hai tuần trước đây thì tốc độ tăng số ca tử vong hằng ngày tại Anh tính theo tỷ lệ phần trăm đang gia tăng nhanh hơn tại Italy. Thực tế này đang gia tăng sức ép đối với Chính phủ Anh trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh trước khi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) bị quá tải và mất khả năng đối phó.
Italy ngày 18/3 ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày, với 475 người, nhưng trên thực tế tốc độ bắt đầu chậm lại. Kể từ khi Italy bắt đầu ghi nhận số ca tử vong ở mức hai chữ số lần đầu tiên, mức tăng trung bình hằng ngày là khoảng 35%. Tuy nhiên, trong tuần qua, mức tăng số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống dưới 20%, trong đó mức tăng từ 2.503 ca lên 2.978 ca ngày 18/3 tương đương 19%. Ngược lại, tại Anh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong có mức tăng 50% mỗi ngày, trong khi tốc độ tăng này tại Tây Ban Nha là 49% những ngày gần đây.
Ngoài ra, trong tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Italy tăng 171%, trong khi mức tăng tại Anh là 480%, tại Pháp là 300% và tại Đức là 550%.
Sau rất nhiều sức ép, Chính phủ Anh đang phải lên kế hoạch quyết liệt bắt đóng cửa các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim tại thủ đô London, cũng như hạn chế hoạt động của hệ thống giao thông công cộng. Những biện pháp này có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn người phải nghỉ làm.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Phần Lan ngày 19/3 đã đóng cửa biên giới, khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở vùng Lapland phía Bắc nước này.
Người đứng đầu cơ quan du lịch thành phố Rovaniemi, bà Sanna Karkkainen, cho biết sân bay Rovaniemi vẫn hoạt động nhưng đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế trực tiếp khởi hành từ Lapland. Trong khi đó, các sân bay ở Helsinki-Vantaa, Mariehamn và Turku có cung cấp các chuyến bay quốc tế nhưng chỉ chở hàng hóa và công dân Phần Lan về nước. Số chuyến bay cũng bị cắt giảm mạnh. Điều này đã dẫn tới tình cảnh hỗn loạn tại các sân bay ở Lapland khi hàng nghìn du khách nước ngoài không thể di chuyển.
Tính đến thời điểm hiện tại, Phần Lan xác nhận gần 400 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Katri Kulmuni cho biết đại dịch COVID-19 chủ yếu tác động tới ngành du lịch và nguồn cung hàng hóa nhập khẩu của nước này.