Động thái trên được đưa ra sau khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi cuối năm 2018.
Phát biểu với báo giới sau một cuộc họp cấp bộ trưởng, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố: "Tôi đã quyết định kích hoạt kế hoạch đối phó với trường hợp Brexit không thỏa thuận hoặc 'Brexit cứng' như một số người vẫn gọi". Theo ông Philippe, kịch bản này đang "ngày càng ít khả năng không xảy ra".
Kế hoạch của Pháp bao gồm chi 50 triệu euro đầu tư vào các cảng biển và sân bay "bị ảnh hưởng nhiều nhất". Theo ông Philippe, một số cảng sẽ được xây dựng thêm nơi đỗ ô tô, một số cảng khác sẽ được trang bị các hạ tầng để phục vụ công tác kiểm tra hải quan.
Pháp cũng đã lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân viên hải quan và thanh tra thú y. Hạ viện Pháp ngày 17/1 sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm cho phép chính phủ ra quyết định bằng sắc lệnh nếu cần thiết, trong trường hợp Brexit không đạt thỏa thuận, bởi kịch bản này có thể gây tình trạng hỗn loạn ở cả hai bờ eo biển Manche.
Thủ tướng Pháp nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của công dân nước mình. Mục đích của chúng tôi là vừa tôn trọng các nghĩa vụ của mình, đảm bảo đời sống công dân của chúng tôi, đồng thời làm sao cho công dân Anh sống tại Pháp cũng chỉ chịu tác động nhỏ nhất".
Ý định của Thủ tướng Anh nhằm tạo ra một cuộc "ly hôn" êm thấm trong vòng 2 năm đã bị Hạ viện Anh bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 15/1 vừa qua. Hậu quả lớn nhất lúc này mà người ta tính đến sau ngày 29/3 là London sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với EU. Không thông qua được thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc không có giai đoạn chuyển tiếp, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu.
Với kịch bản này, Anh mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu. Cũng có nghĩa là EU sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu.