Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp đã đưa ra tuyên bố trên trước thềm cuộc họp khẩn của ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra tại Brussel (Bỉ) trong ngày 10/1 thảo luận về cách thức tránh tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Iran cùng cuộc khủng hoảng phổ biến hạt nhân.
Theo quan điểm của Ngoại trưởng Le Drian, giải pháp tốt nhất để làm giảm căng thẳng là con đường ngoại giao và tôn trọng thỏa thuận. Ông tái khẳng định Pháp tuân thủ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà ông gọi là "một hiệp ước an ninh cho tất cả."
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tin tưởng thỏa thuận hạt nhân nói trên vẫn phù hợp và bộ trưởng các nước EU vẫn sẽ tái cam kết tuân thủ thỏa thuận mặc dù Tehran đã tuyên bố dần thu hẹp cam kết trong văn kiện này. Ông bày tỏ mong muốn thỏa thuận này sẽ có một tương lai.
Bày tỏ quan điểm riêng, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcakbut khẳng định rằng thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc - 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và Đức) ký năm 2015, vẫn có hiệu lực. Ông nêu cụ thể ngoại trưởng các nước EU sẽ tập trung tìm kiếm giải pháp để đưa Tehran trở lại thỏa thuận sau khi quốc gia Hồi giáo này quyết định thu hẹp việc thực hiện cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận.
JCPOA đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Ngày 8/1 vừa qua, ông cho rằng đã đến lúc các bên ký kết cần rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Pháp tuyên bố vẫn duy trì cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định JCPOA vẫn là phương án tốt nhất hiện có.
Trong những ngày tới, các quốc gia châu Âu ký thỏa thuận sẽ phải quyết định xem liệu có nên hành động chống lại Tehran hay không, điều này có khả năng sẽ dẫn đến việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Hôm 5/1, Iran tuyên bố nước này sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với JCPOA, song vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuyên bố khẳng định Tehran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani mà họ có thể sử dụng, điều này đồng nghĩa sẽ không có giới hạn đối với năng lực và cấp độ làm giàu urani hoặc quá trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran. Từ nay, những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu kỹ thuật của Iran.
Đây là bước đi mới nhất của Tehran trong việc rút lại các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký với Nhóm P5+1 sau khi Mỹ tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad (Iraq), khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng. Vụ không kích của Mỹ đã không chỉ khiến quan hệ giữa Mỹ với Iran và Iraq đặc biệt căng thẳng, mà còn khiến khu vực có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.