Ngày 20/1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố mục tiêu cuối cùng của hành động can thiệp quân sự của Paris vào Mali là giành lại kiểm soát toàn bộ quốc gia châu Phi này từ tay lực lượng phiến quân Hồi giáo hiện đang chiếm giữ miền Bắc.Xe tăng "Sagaie" của Pháp chuẩn bị tới Sevare, miền bắc Mali ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trên kênh truyền hình France 5, Bộ trưởng Le Drian nêu rõ: "Mục tiêu là bảo đảm cho AFISMA (lực lượng của châu Phi), có thể đảm nhận quyền chỉ huy trong chiến dịch can thiệp".
Về khả năng lực lượng Pháp tiến về Timbuktu ở phía cực Bắc, ông Le Drian cho biết "nếu cần thiết, lực lượng châu Phi có thể yêu cầu Pháp hỗ trợ khi họ đến Timbuktu".
Quân chính phủ Mali hiện chưa giành lại được thành phố Diabaly, bị phiến quân Hồi giáo chiếm giữ gần một tuần trước và hiện đang bị máy bay Pháp oanh kích dữ dội. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khẳng định quân đội Mali với sự hỗ trợ của bộ binh Pháp đang tiếp cận thành phố này và tình hình sẽ được cải thiện "trong vài giờ tới".
Tuyên bố của Bộ trưởng Le Drian được đưa ra trong bối cảnh lực lượng Pháp đang tiến đến khu vực miền Bắc Mali hiện đang nằm trong tay lực lượng Hồi giáo cực đoan. Có thông tin phiến quân đã bỏ một số vị trí và rút về khu vực đồi núi Kidal, cứ điểm ở cực Bắc cách thủ đô Bamako 1.500 km và gần biên giới với Algeria.
Kidal là thị trấn đầu tiên rơi vào tay lực lượng phiến quân và các nhóm ly khai người Tuareq hồi tháng 3 năm ngoái. Hai bên sau đó bất đồng và phiến quân Hồi giáo chiếm ưu thế tại các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc.
Lực lượng đa quốc gia của châu Phi đang tiếp tục được triển khai đến Mali trong chiến dịch can thiệp quân sự.
Ngày 20/1, một nhóm khoảng 60 binh sĩ Senegal đã rời Dakar để tới Bamako. Senegal đã cam kết điều 500 binh sĩ đến Mali tham gia với lực lượng các nước khác thuộc Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) hỗ trợ quân đội Mali chống phiến quân.
Cùng ngày, một sĩ quan quân đội Benin (Bê nanh) cho biết nước này đã tăng quân số tới Mali lên 650 binh sĩ thay vì 300 như dự kiến trước đó.
Ngoài Benin và Senegal, các quốc gia Tây Phi là Nigeria, Togo, Niger, Guinea, Ghana và Burkina Faso cũng như CH Chad (Sát) đều đã thông báo kế hoạch đóng góp cho sứ mệnh quốc tế tại Mali gồm tổng cộng 5.800 binh sĩ để tiếp quản vai trò từ lực lượng Pháp.
Theo ước tính của ECOWAS, chi phí cho chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo ở Mali có thể lên tới 500 triệu USD (tương đương 375 triệu euro). Hiện mới có Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp 50 triệu euro và ECOWAS đang kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ mạnh hơn.
Trước tình hình tại Mali, ngày 20/1, Canada đã sơ tán hầu hết các nhân viên ngoại giao và gia đình của họ khỏi Đại sứ quán nước này ở Bamako và thúc giục những công dân Canada còn ở Mali nhanh chóng rời khỏi quốc gia Tây Phi này.
Bộ Ngoại giao Canada cho biết gần như tất cả nhân viên và toàn bộ 29 thân nhân của các nhà ngoại giao đã được sơ tán khỏi đại sứ quán, chỉ còn lại một nhà ngoại giao Canada đang có mặt ở Bamako nhằm giúp những công dân nước này vẫn còn ở lại Mali.
Canada đã khẳng định không tham gia các hoạt động can thiệp quân sự tại Mali nhưng để ngỏ khả năng hỗ trợ về đào tạo, hậu cần và viện trợ, cụ thể là Ottawa đã điều một máy bay vận tải hạng nặng đến Mali để hỗ trợ quân đội Pháp.
TTXVN/Tin tức