Tổng thống Emmanuel Macron (phải) tái khẳng định cam kết của Paris duy trì JCPOA nhằm kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu ngày 5/6 trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở thăm Pháp, Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron kêu gọi các bên liên quan ổn định tình hình để tránh leo thang căng thẳng dẫn đến nguy cơ xung đột. Ông tái khẳng định cam kết của Paris duy trì JCPOA nhằm kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Tổng thống Macron cũng kêu gọi các đối tác và đồng minh của Pháp tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy ổn định khu vực bằng cách duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Về quyết định mở rộng cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran, ông cho rằng kế hoạch này không vi phạm các cam kết của Tehran trong khuôn khổ JCPOA.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu - người có quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân này – cho rằng đã đến lúc phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các bước tiến về hạt nhân của Iran bởi mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay là vũ khí hạt nhân.
Trước đó cùng ngày 5/6, Iran đã thông báo với giới chức Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc sẽ tăng công suất làm giàu urani trong những giới hạn mà JCPOA đặt ra. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đánh giá ban đầu chỉ ra rằng quyết định của Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1, quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy việc Tehran duy trì bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của mình. Theo thỏa thuận này, Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm nhất định, mặc dù có bị hạn chế trong 10 năm đầu sau thỏa thuận về chủng loại và số lượng máy. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu uranium lên mức 3,67%.
Tuy vậy, tương lai của JCPOA đã rơi vào thế bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng quyết định tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty của các nước này đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.