Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngày 20/5, ông Mladenov cũng kêu gọi Palestine nối lại các cuộc đàm phán của nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông, gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ. Ông nhấn mạnh: "Israel phải từ bỏ các đe dọa sáp nhập". Ông nói thêm: "Tôi kêu gọi các đồng nghiệp thuộc nhóm Bộ Tứ phối hợp với LHQ và nhanh chóng đưa ra một đề xuất giúp Bộ Tứ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải và phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy triển vọng hòa bình".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Pháp đã cảnh báo chính phủ mới tại Israel về kế hoạch sáp nhập các phần ở khu Bờ Tây, khẳng định rằng hoạt động này có nguy cơ gây tổn hại quan hệ của Israel với EU. Thông cáo của bộ trên nêu rõ: "Paris tái khẳng định cam kết về một giải pháp lâu dài, bình đẳng cho xung đột Israel-Palestine, kêu gọi giới chức Israel tránh bất kỳ biện pháp đơn phương nào dẫn tới sáp nhập tất cả hay một phần của lãnh thổ Palestine". Pháp cũng nhấn mạnh kế hoạch sáp nhập này vi phạm luật pháp quốc tế và "làm suy giảm nghiêm trọng" triển vọng đạt giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lên tiếng ủng hộ giải pháp hai nhà nước và thành lập một Nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới trước năm 1967, thủ đô là Đông Jerusalem. Trong một thông cáo chung giữa ông Mass và Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh, hai bên bày tỏ "quan ngại lớn về thỏa thuận giữa các đảng liên minh tại Israel thúc đẩy kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine như đã nêu trong thỏa thuận liên minh của Israel". Tuyên bố nêu rõ "việc sáp nhập bất kỳ phần nào của vùng lãnh thổ Palestine bao gồm Đông Jerusalem rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy giảm nghiêm trọng cơ hội cho giải pháp hai nhà nước trong thỏa thuận về tình trạng cuối cùng".
Về phần mình, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden cũng đã phản đối kế hoạch của Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái và thung lũng Jordan chiến lược, chiếm 30% diện tích Bờ Tây. Trước đó một ngày, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Joseph Borrell cũng đã lên tiếng cảnh báo Israel đơn phương sáp nhập tại Bờ Tây khi gửi thông điệp chúc mừng Israel có chính phủ mới.
Theo thỏa thuận liên minh giữa Thủ tướng Netanyahu - Chủ tịch đảng Likud - và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, Chủ tịch Xanh-Trắng, từ ngày 1/7, Chính phủ Israel có thể tiến hành các bước đi để sáp nhập một số khu vực tại Bờ Tây.
Trong phản ứng của mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết việc Israel sáp nhập Bờ Tây sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi hợp tác an ninh. Theo Tổng thống Abbas, các kế hoạch sáp nhập cho thấy Israel không còn muốn tuân thủ các thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Vì vậy, Chính phủ Palestine "từ ngày hôm nay sẽ được miễn hoàn toàn trách nhiệm trong mọi thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với Chính phủ Mỹ và Israel, và mọi nghĩa vụ trong các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ này, bao gồm cả các thỏa thuận an ninh".
Giới chức Palestine nhấn mạnh việc sáp nhập trên sẽ đặt dấu chấm hết cho các hy vọng về một nhà nước độc lập bên cạnh Israel, cái gọi là giải pháp hai nhà nước.