Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây cho biết rằng số người chết vì các cuộc tấn công khủng bố giảm trên toàn cầu nhưng tăng ở châu Phi.
Phát biểu trong một cuộc họp của Hiệp ước điều phối chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc ngày 8/6, ông Guterres nêu rõ "Năm ngoái, khu vực châu Phi cận Sahara ghi nhận 48% số người chết được cho là do các nhóm khủng bố trên thế giới gây ra". Ông cũng cho biết thêm các nhóm khủng bố như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các chi nhánh của chúng tiếp tục được mở rộng ở Sahel, xâm nhập vào miền Trung và miền Nam châu Phi.
Các nhóm khủng bố khai thác các cuộc xung đột giữa các sắc tộc và các yếu tố nhà nước. Tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo, Libya và Somalia, chủ nghĩa khủng bố đã dẫn đến sự leo thang bạo lực, thúc đẩy bất ổn, phá hoại các nỗ lực hòa bình và đặt lại các mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, sau chuyến thăm bang Borno, Nigeria, ông Guterres bày tỏ sự lạc quan. Từng là thành trì của Boko Haram, bang này hiện đang trên con đường hòa giải.
Ông Guterres cho biết, chiến lược của Chính phủ Nigeria là tạo dựng lại niềm tin với người dân, từ đó tạo điều kiện cần thiết để phá bỏ các cơ chế tuyển dụng của Boko Haram. Nhiều cựu chiến binh Boko Haram thậm chí đang tái hòa nhập xã hội.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng nhấn mạnh rằng không thể chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách hiệu quả nếu không giải quyết các điều kiện có lợi cho sự lây lan của nó, chẳng hạn như thể chế yếu kém, bất bình đẳng, nghèo đói và bất công.
Tổng thư ký cho biết, một cách tiếp cận tích hợp và toàn diện là điều cần thiết đối với chiến lược chống khủng bố của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các hệ thống y tế, giáo dục, bảo vệ, bình đẳng giới và công lý mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và thực hiện các quy trình dân chủ thực sự.