Lâu nay, những chú voi châu Phi được biết đến là loài động vật thông minh, có khả năng phân biệt các ngôn ngữ khác nhau tốt nhất. Các nhà khoa học Nhật Bản mới đây phát hiện thêm một "biệt tài" của loài động vật quý hiếm này, đó là khả năng khướu giác tinh nhạy bậc nhất.Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Mỹ "Genome Research" (Nghiên cứu bộ gien) số ra ngày 22/7, các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản, đã tiến hành so sánh lượng gien khướu giác trong bộ gien của voi châu Phi với con người và 12 loài động vật có vú khác như ngựa, bò, thỏ, chó, tinh tinh cũng như một số loài gặm nhấm như chuột lang, chuột nhắt...
Kết quả cho thấy bộ gien của voi châu Phi có nhiều gien khướu giác nhất, với gần 2.000 gien trong tổng số 10.000 gien khướu giác được phát hiện. Như vậy, số gien có chức năng phân biệt mùi của voi nhiều gần gấp đôi so với chuột - loài động vật lâu nay được cho là có chức năng khướu giác tốt nhất. Ngoài ra, gien khướu giác của voi châu Phi cũng nhiều hơn gấp 5 lần so với con người và gấp 2 lần so với những chú khuyển.
Loài khả năng khướu giác tinh nhạy bậc nhất. Ảnh minh họa
|
Theo các nhà khoa học, hiện vẫn chưa rõ cách thức các gien khướu giác ở voi hoạt động thế nào, song chức năng này đã giúp các chú voi tìm kiếm thức ăn, bạn đời và bảo vệ khả năng sinh tồn của chúng tại môi trường sống khắc nghiệt ở châu Phi.
Voi châu Phi có tên khoa học là "Loxodonta", là loài động vật lớn nhất trên Trái Đất ngày nay. Voi châu Phi được xếp vào "sách đỏ" động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng do chúng đang mất dần môi trường sống và nạn săn bắn lấy ngà voi trái phép tràn lan.
Nghiên cứu trên do Cơ quan Công nghệ và khoa học Nhật Bản cùng Hội Thúc đẩy các chương trình viện trợ cho nghiên cứu khoa học Nhật Bản đồng tài trợ.
TTXVN/ Tin tức