Theo các chuyên gia, ngôi làng nói trên được xây dựng trong triều đại nhà Thương (1600-1046 trước Công nguyên). Tại đây, các nhà khảo cổ tìm thấy tàn tích về các tuyến giao thông, những con hào, đường hầm, đường ống nước, lò gốm và các dãy nhà. Họ cũng khai quật được nhiều đồ gốm, những chiếc kẹp tóc chạm khắc từ xương và những mảnh mai rùa dùng để bói toán. Ngoài ra, trong mỗi ngôi nhà của làng này còn có một hệ thống sưởi ấm, được cho là nguyên mẫu của những bục ngủ bằng gạch nung, có thể giúp sưởi ấm cho người dùng - một sản phẩm truyền thống của người Trung Quốc.
Dấu tích của ngôi làng nói trên được các nhà khảo cổ phát hiện khi đang tiến hành khai quật tại di chỉ khảo cổ Triệu Diệu trong giai đoạn từ năm 2020-2022. Theo ông Ngụy Thư Quang - trưởng phòng nghiên cứu khảo cổ về các triều đại Thương và Chu tại Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Hà Bắc, ngôi làng này có thể đã từng là thủ phủ của một một bộ lạc hoặc vương quốc vào thời điểm đó.
Ông Ngụy Thư Quang cho biết hệ thống sưởi ấm có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu được những thay đổi của môi trường ở thời nhà Thương, cũng như các biện pháp được người dân miền Bắc Trung Quốc thực hiện ở thời điểm đó để giúp giữ ấm cơ thể.