Đài Sputnik đưa tin một nhóm nhà khoa học quốc tế vừa tìm thấy miệng hố sâu nơi thiên thạch lớn nhất từng đâm xuống Trái Đất. Theo tạp chí PNAS, tác động từ cú đâm đối với hành tinh của chúng ta có thể quan sát được từ gần 1/10 lãnh thổ Trái Đất.
Nếu như bạn thắc mắc vì sao giới nghiên cứu không biết đến sự tồn tại của hố sâu rộng 13km và dài 17km này trước đó, câu trả lời là bởi vì nó bị chôn vùi dưới dòng nham thạch.
Vậy họ đã tìm thấy nó bằng cách nào? Các nhà khoa học biết rằng sức mạnh từ cú đâm đã gây ra loạt phản ứng địa chất, sản sinh ra những khối đá kết tinh màu thẫm to bằng viên sỏi.
Khi nghiên cứu những khối đá kết tinh này, họ có thể xác định với độ chính xác thời điểm thiên thạch khổng lồ đâm xuống Trái Đất. Họ tin rằng nó đã đâm xuống vùng đất là Lào ngày nay từ 790.000 năm trước. Bên cạnh đó, nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành đo trọng lực tại hiện trường để xem ở đây có sự bất thường về trọng lực, báo hiệu về sự tồn tại một miệng hố lớn hay không.