Tính từ tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận ít nhất 1.010 ca viêm gan bí ẩn, trong đó có 46 ca cần ghép gan và 22 ca tử vong. Các giả thiết trước đây tập trung vào hiện tượng gia tăng đột biến các ca nhiễm adenovirus trong số trẻ nhỏ mắc bệnh viêm gan bí ẩn. Tuy nhiên, trong 2 nghiên cứu mới được thực hiện độc lập và đồng thời tại Scotland và London, các nhà khoa học phát hiện một virus khác được gọi là AAV2 (adeno-associated virus 2) đóng vai trò quan trọng và xuất hiện ở 96% số bệnh nhân được kiểm tra.
Thông thường AAV2 được cho là không gây bệnh và không thể tự nhân đôi nếu không có sự trợ giúp của virus khác.
Hai nhóm nghiên cứu đã kiểm tra những bệnh nhân mắc viêm gan và những người không mắc bệnh. Họ phát hiện AAV2 chủ yếu xuất hiện ở những người mắc bệnh.
Cả 2 nghiên cứu đều kết luận rằng việc nhiễm AAV2 đồng thời nhiễm một adenovirus, hoặc đôi khi nhiễm virus herpes HHV6, rất có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan bí ẩn này.
Giáo sư bệnh truyền nhiễm Emma Thomson, làm việc tại Đại học Glasgow và dẫn đầu nghiên cứu tại Scotland, khẳng định: "Sự hiện diện của AAV2 liên quan đến bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em". Tuy nhiên, bà lưu ý rằng chưa biết chắc AAV2 là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh hay chỉ là một chỉ dấu sinh học thể hiện nhiễm adenovirus là nguyên nhân gây bệnh và khó phát hiện hơn.
Ngoài ra, 2 nghiên cứu riêng biệt trên đều loại trừ khả năng việc nhiễm virus SARS-CoV-2 đó là nguyên nhân trực tiếp gây viêm gan bí ẩn ở trẻ. Nghiên cứu khẳng định không tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong gan của các bệnh nhân. Nghiên cứu tại Scotland cho thấy số bệnh nhân có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 là hơn 60%, tương đương tỷ lệ ở trẻ em vào thời điểm đó. Không rõ vì sao các ca viêm gan tăng đột biến gần đây, nhưng cả hai nhóm nghiên cứu đều nhấn mạnh khả năng các biện pháp phong tỏa để phòng COVID-19 có thể góp phần làm giảm miễn dịch của trẻ nhỏ.
Cả hai nghiên cứu trên đã được đăng trực tuyến và đang chờ hội đồng chuyên gia đánh giá trước khi đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành.