Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK) và Đại học Hong Kong (HKU) công bố ngày 2/12, hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Sinovac và Pfizer/BioNTech tương quan với số lượng vi khuẩn bifidus (Bifidobacterium adolescentis) có trong đường ruột, nghĩa là phản ứng kháng thể thấp thì lượng vi khuẩn bifidus cũng không đủ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu máu và chất thải bài tiết của 1 người từ 18-67 tuổi để đo nồng độ kháng thể của họ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và so sánh với tổng lượng vi khuẩn bifidus. Các mẫu được thu thập trước khi các tình nguyện viên tiêm chủng và một tháng sau mũi tiêm thứ hai trong thời gian từ tháng 4-8 vừa qua.
Kết quả cho thấy, trong số những người tiêm vaccine của Sinovac và phản ứng kháng thể thấp, khoảng 57% không có đủ lượng vi khuẩn bifidus trong đường ruột. Tỷ lệ này ở những người tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech là 25%.
Căn cứ phát hiện trên, các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn bifidus có thể giúp tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac và Pfizer/BioNTech.
Giáo sư Ng Siew Chien - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi sinh vật đường ruột tại CUHK, cho biết kết quả nghiên cứu là bằng chứng đầu tiên cho thấy vi khuẩn bifidus đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Bà khuyến nghị cách để tăng cường lợi khuẩn này là hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thuốc kháng sinh và giảm căng thẳng, lo âu.