Phát hiện này có thể giúp xác định ngay từ giai đoạn đầu các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng sau này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, để thực hiện nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã kiểm tra lâm sàng và thông số của 89 bệnh nhân nặng. Trong số này có 32 bệnh nhân, chủ yếu là nam giới, phải dùng tới máy trợ thở. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở tất cả những bệnh nhân này đều có dấu hiệu viêm ở mức cao với chất truyền tin interleukin-6 (IL-6). Cụ thể, giá trị IL-6 của các bệnh nhân ở mức trên 80 picogram/mililit và giá trị CRP (định lượng Protein phản ứng C trong máu) trên 9,7 miligam/decilit. Bệnh nhân có giá trị cao sẽ có nguy cơ suy phổi cao hơn nhiều lần những bệnh nhân khác và đây là yếu tố để các nhà nghiên cứu dự đoán nguy cơ suy phổi sau này của bệnh nhân với độ chính xác cao. Điều này rất hữu ích để các chuyên gia y tế xác định các bệnh nhân có thể mắc bệnh nặng (suy phổi) ngay từ giai đoạn đầu để có thể được theo dõi cặt chẽ hơn, trong khi những bệnh nhân không có đặc điểm rủi ro có thể được điều trị bình thường, thậm chí là điều trị tại nhà.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu liệu chất truyền tin này là yếu tố trung tâm của bệnh trong phổi hay đơn thuần chỉ là dấu hiệu hoạt động của bệnh, bởi nếu là yếu tố của bệnh trong phổi thì có thể sớm can thiệp bằng các loại thuốc chống viêm để có tác động tích cực đến tiến trình bệnh sau này. Kết quả nghiên cứu đã công bố kết quả trên Tạp chí Dị ứng và miễn dịch lâm sàng.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, trong ngày 25/5 có hai bang ở nước này không ghi nhận ca nhiễm mới nào là Hamburg và Mecklenburg-Vorpommern. Trong ngày 25/5, số ca nhiễm mới trên toàn nước Đức chỉ tăng 296 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên 178.864 ca, trong đó 161.200 trường hợp đã khỏi bệnh và số trường hợp còn mắc bệnh hiện là 9.400 người. Theo Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ lây nhiễm đã giảm từ 0,93 xuống 0,83. Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Đức là 8.428 người - theo số liệu của woldometers.info tính đến 7h30 ngày 26/5 (giờ Việt Nam).