Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, các phát hiện mới này nằm ở khu vực được biết đến với tên gọi “Gisr El-Mudir”, phía Tây kim tự tháp nổi tiếng ở Saqqara - Kim tự tháp của Vua Djoser. Phát hiện quan trọng nhất thuộc về ngôi mộ của Khnumdjedef, một người giám sát các quý tộc và một linh mục tại khu phức hợp kim tự tháp Unas, vị Pharaoh cuối cùng của Vương triều thứ năm (trị vì trong khoảng từ 15 đến 30 năm vào giai đoạn giữa thế kỷ thứ 24 trước Công nguyên). Trưởng đoàn khảo cổ Ai Cập, Tiến sĩ Zahi Hawass cho biết ngôi mộ này được trang trí bằng những hình ảnh mô phỏng các sinh hoạt hằng ngày của người Ai Cập cổ đại.
Ngôi mộ lớn thứ hai được cho là thuộc về Meri, người giữ bí mật và trợ lý của Pharaoh Unas. Ngoài ra, ngôi mộ của một linh mục cũng đã được phát hiện cùng với 9 bức tượng mô tả một người đàn ông cùng vợ và một số người hầu.
Theo ông Hawass, vài tháng sau những phát hiện ban đầu, phái đoàn khảo cổ Ai Cập đã tìm thấy một cánh cửa giả gần địa điểm tìm thấy các bức tượng. Trên cánh cửa giả này có khắc tên Messi, người có thể là chủ nhân của 9 bức tượng nói trên. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 3 bức tượng khác mô phỏng một người đàn ông đang đứng, người vợ đang ôm một bên chân của người này và cô con gái đang ôm một con ngỗng.
Tiến sĩ Hawass cho biết thêm một đường hầm sâu 15 m đã được phát hiện cùng với một chiếc quan tài lớn hình chữ nhật bằng đá vôi. Chữ khắc trên chiếc quan tài tiết lộ tên của chủ nhân là Hekashepes. Kết quả kiểm tra cho thấy quan tàu này được niêm phong hoàn toàn bằng vữa, giống như cách người Ai Cập cổ đại bảo quản xác ướp cách đây 4.300 năm. Xác ướp đựng trong quan tài là của một người đàn ông được phủ đầy những lá vàng. Theo ông Hawass, phát hiện này có thể là “xác ướp lâu đời và hoàn chỉnh nhất được tìm thấy tại Ai Cập cho đến nay”. Ngoài ra, nhiều bình đá cũng được tìm thấy xung quanh chiếc quan tài.