Khí methane tuy không màu và không mùi nhưng độc hại và có thể làm Trái Đất ấm lên cao hơn nhiều lần so với khí CO2. Methane chỉ chiếm khoảng 11% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tồn tại khoảng 10 năm trong không khí, nhưng lại giữ nhiệt trong khí quyển nhiều hơn 80 lần so với CO2. Các nhà khoa học ước tính ít nhất 25% mức độ ấm lên toàn cầu ngày nay là do tác động của khí methane phát thải trong sinh hoạt của con người.
Theo ESA, các hình ảnh thu được từ 2 vệ tinh cho thấy rất nhiều cột khí methane thoát ra từ 1 giàn khoan của Pemex ở Vịnh Mexico từ ngày 8-27/12 năm ngoái. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Valencia (Tây Ban Nha) ước tính khoảng 40.000 tấn khí methane đã bị phát tán ra môi trường. Trong thời gian này, Pemex đã thải ra một lượng khí methane tương đương 3,37 triệu tấn CO2, chiếm 3% tổng lượng khí thải CO2 hằng năm của nước này.
Khí methane bị rò rỉ ở ngoài khơi bang Campeche của Mexico trên Vịnh Mexico tại mỏ dầu Zaap thuộc tổ hợp dầu khí Ku-Maloob-Zaap, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dầu của Mexico. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc rò rỉ một lượng lớn khí methane ở Vịnh Mexico có thể là do quy trình xử lý trong quá trình khai thác dầu khí của giàn khoan gặp trục trặc hoặc lỗi thiết bị.
Trưởng nhóm nghiên cứu Irakulis Loitxate cho biết đây là lần đầu tiên các vệ tinh phát hiện rò rỉ khí methane. Nếu không có phương pháp giám sát được mô tả trong báo cáo, các vụ rò rỉ methane tương tự có thể sẽ không được phát hiện.
Hiện cả Pemex và Bộ Năng lượng Mexico đều chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.