Theo một công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports gần đây, một loại son môi màu đỏ có niên đại 3.600 năm đã được phát hiện ở vùng Jiroft phía đông nam Iran. Thỏi son nằm trong một ngôi mộ từ thiên niên kỷ thứ 3 (TCN) và được xem là thỏi son cổ nhất từng được phát hiện cho đến hiện tại.
Loại son cổ đại có hình trụ nhỏ dài, tương tự như những ống son môi hiện đại và chứa một chất màu đỏ làm từ các khoáng chất như hematit, chất làm sẫm màu từ manganite và braunite, cùng một lượng nhỏ galena và anglesit. Màu sắc và chất sáp của thỏi son 3.600 năm tuổi này không khác gì công thức làm son môi hiện đại. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng chủ nhân của thỏi son có thể đã sử dụng nó theo cách giống như mọi người ngày nay.
Các nhà nghiên cứu giải thích trong báo cáo khoa học: "Hình dạng mảnh và độ dày thỏi son cho thấy rằng nó có thể được cầm một cách thuận tiện bằng một tay, cùng với tay cầm của gương đồng, để tay kia có thể thoải mái sử dụng cọ hoặc loại dụng cụ bôi son khác".
Mặc dù các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng nguồn gốc chính xác của thỏi son vẫn chưa được xác định, nhưng họ tin rằng nó đến từ một nền văn minh thời đại đồ đồng ở Iran, có thể là nền văn minh Mahasi cổ đại và phát hiện này đã góp phần làm sáng tỏ về vai trò của người Iran cổ đại thời đồ đồng trong xã hội, cùng với cách họ sử dụng đồ trang điểm.
Mặc dù bằng chứng sớm nhất về việc phụ nữ vẽ lên môi được tìm thấy trên bản đồ giấy cói Torino ở Ai Cập là vào thế kỷ 12 trước Công nguyên, nhưng thỏi son được tìm thấy ở Iran đã đưa ra một mốc thời gian mới.
Tác giả nghiên cứu Massimo Vidale cho biết: "Nó cho thấy rằng vào đầu thời kỳ đồ đồng, trong khi các thành phố và bang đầu tiên đang phát triển về quyền lực kinh tế và chính trị, việc mọi người trang điểm cũng ứng với những vai trò chính thức mới trong hệ thống phân cấp địa phương".
Ông nói thêm: "Trong bối cảnh đó, giờ đây chúng tôi biết rằng ngoài kem nền và phấn mắt sáng màu, những đường kẻ viền mắt, thì đôi môi họ cũng có màu đậm. Phụ nữ Iran (nếu chỉ phụ nữ vẽ môi còn đàn ông thì không) ở thời điểm ấy cũng đã phô trương quyền lực, nhan sắc và vị thế của mình ở địa phương thông qua việc trang điểm".