Một nhóm nhà khoa học vừa phát hiện ra một thành phố kiến ngầm từng là nơi sinh sống của hàng triệu con kiến cắt lá ở Braxin.
Toàn cảnh thành phố kiến. Ảnh: Internet |
“Đô thị” kiến này có vô số đường đi lớn nhỏ và được cho là một trong những “đế chế” kiến lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không ai biết lũ kiến đã bỏ đi khi nào hay điều gì đã gây ra cái chết của chúng.
Các chuyên gia đã đổ 10 tấn bê tông vào các lỗ trên bề mặt để xác định các đường ngầm do kiến xây. Các lỗ này có tác dụng như điều hòa không khí cho thành phố kiến. Phải mất 10 ngày để đổ bê tông vào mê cung đường hầm được kiến đào trên một diện tích 152 mét vuông, sâu gần 9 mét dưới lòng đất.
Sau một tháng, các nhà khoa học do giáo sư Luis Forgi dẫn đầu đã bắt đầu đào và phát hiện ra một thành phố khó có thể hình dung được. Nó được ví như Vạn Lý Trường Thành của loài kiến.
Theo các nhà khoa học, để xây được thành phố này, lũ kiến phải đào tổng cộng 40 tấn đất.
Mạng lưới đường hầm có thể thông hơi tốt và tạo ra những tuyến đường di chuyển ngắn nhất. Mạng lưới còn có hàng chục “đường cao tốc” nối các khu hầm, tuyến đường. Từ các “đường cao tốc” này, các lối đi nhỏ tỏa ra và dẫn đến nhiều hố rác và vườn nấm.
Loài kiến cắt lá này, do kiến chúa dẫn đầu, đã xây dựng vô số thành phố tương tự nhưng có kích thước chỉ bằng một quả sồi khắp châu Mỹ.
Người ta cho rằng loài kiến cắt lá có khả năng xây dựng một xã hội phức tạp nhất trên Trái Đất chỉ sau con người.
Thùy Dương