Ngày 9/12, Mặt trận Cứu quốc (NSF), tổ chức đối lập hàng đầu quy tụ nhiều chính đảng tự do và cánh tả ở Ai Cập, đã ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15/12 tới.
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã hủy bỏ toàn bộ tuyên bố hiến pháp mở rộng quyền lực được ban ngày 22/11 vừa qua. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp vẫn được tiến hành như dự kiến vào ngày 15/12. Trong ảnh: Tổng thống Mohamed Morsi (giữa) trong cuộc họp với đại diện lực lượng chính trị quốc gia ở Cairo ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN. |
Tuyên bố trên, được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thông báo hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi của mình, nhấn mạnh: "NSF quyết định không công nhận cuộc trưng cầu ý dân sắp tới cũng như bản dự thảo Hiến pháp" mà NSF nhận định là "lố bịch". Theo tuyên bố, việc tổ chức trưng cầu ý dân vào lúc này sẽ chỉ làm chia rẽ thêm xã hội Ai Cập và có nguy cơ đẩy đất nước vào tình trạng đối đầu bạo lực. Cũng theo NSF, bản dự thảo Hiến pháp hiện nay không phản ánh hy vọng cũng như nguyện vọng của người dân Ai Cập sau cuộc cách mạng đầu năm 2011, đồng thời làm tăng sự "độc tài" của Tổng thống.
NSF cũng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình một triệu người vào ngày 11/12 tới tại các quảng trường trên khắp cả nước nhằm phản đối dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi đó, Liên minh các lực lượng Hồi giáo, tổ chức quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo, cũng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình hai triệu người nhằm ủng hộ Tổng thống Morsi vào cùng thời điểm tại thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và tỉnh Assiut. Ngoài ra, nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan Salafi đã kêu gọi hàng triệu người ủng hộ tham gia cuộc biểu tình lớn tổ chức vào ngày 10/12 phía trước Trung tâm Truyền thông ở Cairo với yêu cầu hủy các chương trình đối thoại trên truyền hình và kêu gọi tẩy chay các tờ báo bị cho là có quan điểm chống lại người Hồi giáo. Cuộc biểu tình ngồi của các thành viên Hồi giáo Salafi tại địa điểm này đã bước sang ngày thứ ba với hàng trăm người tham gia.
Tối 9/12, phe đối lập đã tổ chức ba cuộc tuần hành hướng tới Phủ Tổng thống, nơi hàng trăm người biểu tình vẫn bám trụ sau các vụ đụng độ dẫm máu vào tối 5/12. Khoảng 200 người dẫn chương trình và các nhà sản xuất truyền hình cũng tổ chức tuần hành tại quảng trường Tahrir để phản đối phe Hồi giáo thao túng các cơ quan truyền thông nhà nước. Bốn thành viên của Hội đồng Nhân quyền quốc gia đã thông báo từ nhiệm để phản đối quan điểm của hội đồng này về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Làn sóng từ nhiệm tại tổ chức trên đã bắt đầu từ tuần trước khi bốn thành viên khác nộp đơn từ chức.
Thủ tướng Ai Cập Hesham Qandil ngày 9/12 đã kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đối lập cũng như ủng hộ Tổng thống Morsi chấm dứt biểu tình và tham gia bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp vào ngày 15/12 tới. Theo ông Căngđin, mỗi bên đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình thông qua lá phiếu và đây là "cách thức hợp pháp duy nhất" để đạt được các mục tiêu mong muốn.
Trong khi đó, Tổng thống Morsi đã ban hành một điều luật mới cho phép các sĩ quan quân đội bắt giữ người nhằm "giữ trật tự công cộng". Điều luật này được đăng trên Công báo Ai Cập ngày 9/12 và sẽ được áp dụng đến hết ngày 15/12 tới. Năm 2011, một điều luật tương tự đã được Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đề xuất song không thể thực hiện do vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà hoạt động nhân quyền và các lực lượng chính trị trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo và đảng Tự do và Công lý, nhánh chính trị của tổ chức này. Cùng ngày, Trưởng công tố Talaat Ibrahim Abdallah đã ra lệnh điều tra một loạt các nhân vật chống đối Tổng thống trong giới tư pháp, chính trị gia và cả giới báo chí với cáo buộc "âm mưu lật đổ Chính phủ". Những người nằm trong danh sách điều tra bao gồm: Phó chủ tịch Tòa án Hiến pháp tối cao Tahani al-Gebali, Chủ tịch Câu lạc bộ Thẩm phán Ahmed al-Zend, Tổng biên tập báo Al-Osbou Mostafa Bakry, thư ký của cựu ứng cử viên tổng thống Ahmed Shafiq, cựu ứng cử viên tổng thống Hamdeen Sabbahi, và luật sư Mortada Mansour.
Trong bối cảnh biểu tình và căng thẳng tiếp tục leo thang, quân đội Ai Cập vẫn dõi theo chặt chẽ tình hình nhưng chưa có hành động mạnh nào. Xe tăng và binh sĩ được triển khai bên ngoài Phủ Tổng thống song không va chạm, xô xát với người biểu tình. Ngày 9/12, các máy bay chiến đấu F-16 bay rất thấp trên trung tâm Cairo. Hãng thông tấn Ai Cập MENA cho biết động thái "bất bình thường" này là diễn tập chống các vụ không kích thù địch và bảo vệ các kho quân sự quan trọng.
Liên quan đến kinh tế Ai Cập, ngày 9/12, Tổng thống Morsi thông qua việc tăng thuế đối với các sản phẩm tiêu thụ đặc biệt là bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, nước xôđa. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Học viện Sadat tại Cairo, Ehab al-Desouki đánh giá sự điều chỉnh thuế này là một phần trong cam kết của chính phủ về chương trình cải cách đã nhất trí với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để Ai Cập nhận được khoản vay 4,8 tỷ USD. Theo chuyên gia này đánh giá, thuế cao áp vào những mặt hàng có hại cho sức khỏe người tiêu dùng là hợp lý, nhưng thời điểm đưa ra quyết định lại là "sai lầm" khi nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị mới.
TTXVN/Tin tức